Lười biếng là một trong bảy mối tội đầu. Enzo Bianchi, tu sĩ Dòng Biển Đức người Ý, nhà sáng lập cộng đoàn Bose ở Ý giải thích cho chúng ta biết, tội này đồng nghĩa với chán nản và không còn thích cầu nguyện.
Thế nào là biếng nhác thờ ơ nguội lạnh?
Enzo Bianchi: Đây là một chữ khó định nghĩa, ngày nay người ta ít dùng trong ngôn ngữ hàng ngày. Đây cũng là một hình thức lười biếng, nhưng cũng là tuyệt vọng, xuống tinh thần. Một hình thức trống rỗng mà chính mình tự cảm thấy, làm cho mình bị tê liệt, ngăn không cho mình xứng tầm cao với đời sống và ơn gọi của mình. Sự thiếu đam mê, thiếu nhạy cảm này làm cho tâm hồn chúng ta bị cứng nhắc. Và đây là căn bệnh chết người. Theo Évagre le Pontique, Giáo phụ sống trong sa mạc vào thế kỷ thứ 4 thì biếng nhác thờ ơ là tật xấu tiêu biểu của tu sĩ. Biếng nhác còn được gọi là quỷ giữa trưa, ám chỉ đến thánh vịnh 90, đề cập đến “nạn dịch xảy ra vào buổi trưa”. Nhưng trên thực tế, đây là căn bệnh của xã hội hiện đại.
Vì sao vậy?
Chúng ta ở trong một xã hội mang bệnh xuống tinh thần, không có một quá khứ thực sự, không có đam mê thật sự, không có mốc cắm, một xã hội mà chúng ta hay tự hỏi chuyện này có đáng để hành động không. Chúng ta thiếu sức mạnh để dấn thân vào một đời sống đích thực. Đó là một chuyện xấu đặc biệt ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ. Tôi thường gặp các người trẻ thiếu quyết tâm, thiếu xác tín. Mỗi người không muốn ở nơi mình đang ở nhưng lại không cách nào ở nơi khác. Mặt khác, chúng ta luôn bị tiếng động bủa vây và cô đơn làm chúng ta tê liệt. Đó là dấu hiệu tiêu biểu của thời buổi này, một loại tấn công chống nhân loại đích thực.
Từ đâu mà hình thức lười biếng thiêng liêng này là một tội?
Nếu nó do chúng ta thì đó là một tật xấu và một tội, nó ngăn không cho chúng ta có một đời sống thật và hy vọng. Chúng ta phải học để cự lại, để chiến đấu, nếu chúng ta không muốn mình là mồi cho những tư tưởng trở thành quái vật và lấy đi tất cả ý chí của chúng ta. Chúng ta luôn có trách nhiệm. Đứng trước loại bệnh này, chúng ta phải luôn hỏi làm thế nào để chúng ta sống với người khác, đâu là quan hệ của chúng ta với người khác.
Như vậy muốn ra khỏi tình trạng biếng nhác thờ ơ, chúng ta phải đi gặp người khác?
Đúng, vì khi gặp gỡ là làm cho chúng ta đi ra khỏi tình yêu cho bản thân mình. Đời sống chung, tình đoàn kết, giao tiếp là phương thuốc để chữa bệnh biếng nhác thiêng liêng. Không phải là không có lý do mà giáo phụ Évagre nói biếng nhác là bệnh của những người đơn độc. Một đời sống đối thoại và chạm trán với người khác là thuốc giải độc cho căn bệnh này.
Nhưng trong xã hội chúng ta, chúng ta luôn liên kết với nhau. Nhưng ông nói biếng nhác là bệnh của thời buổi này?
Chỉ cần vào tiệm ăn hay quán cà-phê là thấy, các thanh niên trẻ 18 tuổi ngồi chung với nhau nhưng mỗi em là một điện thoại thông minh. Điều này nói lên sự cô đơn của chúng, dù bề ngoài có vẻ như chúng có đời sống xã hội. Đời sống hiện đại phủ nhận tất cả mọi quan hệ phong phú đã từng có giữa con người. Bây giờ, con người là “con người tuyệt đối”, không lệ thuộc vào người khác, không kết nối. Nhưng trên thực tế, chính con người tuyệt đối này lại là con người yếu nhất, vì nó không thể là nhân vật chính cho cuộc đời của nó. Nó sống như một kiểu phi nhân hóa. Từng bước, chúng ta đi đến chỗ man rợ.
Nhưng tôi cũng gặp nhiều bạn trẻ nỗ lực đi tìm một ý nghĩa cho đời của mình, họ bám vào hy vọng, động lực thúc đẩy họ sống. Xã hội hiện tại không khuyến khích điều này, nhất là xã hội phương Tây, nơi các nhu cầu sơ khai được thỏa mãn.
Vì thế thoải mái vật chất làm chúng ta quên câu hỏi về Chúa, và kéo chúng ta vào thói lười biếng thiêng liêng?
Ngày nay người trẻ không quan tâm đến Chúa. Thường thường, đối với họ, câu hỏi về Chúa dính với bạo lực, với chủ nghĩa cơ bản. Các bạn trẻ có thể nhạy cảm với Phúc Âm, với con người của Chúa Giêsu Kitô, nhưng không nhạy cảm với Thiên Chúa. Trong khi đó ở thế hệ chúng tôi, “tìm Chúa” là câu nói đầy ý nghĩa làm cho chúng tôi thích thú. Nhưng ngày nay, khi người nào cho rằng, đời sống thật đáng sống thì Chúa Giêsu có thể là bạn đồng hành của người đó.
Biếng nhác có tác động dễ dàng trên người trẻ hơn là trên người lớn tuổi không?
Cả hai. Khi một người có một cam kết, một công việc thì sự cám dỗ sẽ không mạnh hơn khi người đó nhàn rỗi. Nhưng trong tuổi già, cám dỗ biếng nhác quay lại. Họ không còn dự án lâu dài. Khi đó phải tìm trong hiện tại một ý nghĩa để sống từng ngày, chiến đấu sự lười biếng thiêng liêng này trong quan hệ với người khác, qua các cuộc gặp gỡ, đi ra khỏi tình trạng cô lập mà tuổi già khóa chặt chúng ta lại.
Hy vọng kitô giáo không bảo vệ được chúng ta?
Chắc chắn được, chúng ta có hy vọng trong Nước Trời, trong đời sống vĩnh cửu với Chúa Kitô Phục Sinh. Nhưng rất nhiều người tự hỏi về đời sống vĩnh cửu. Đức tin không còn là tảng đá bất di bất dịch, đức tin đòi hỏi phải nói vâng mỗi ngày. Bây giờ chúng ta có một cái nhìn khoa học về đời sống sau cái chết, và chúng ta cảm thấy khó tin vào thế giới bên kia. Chúng ta cảm nhận một nỗi buồn, nỗi buồn này nuôi dưỡng cho thói lười biếng thiêng liêng và ngược lại.
Còn trong đời sống tu trì thì sao?
Một cách nghịch lý, trong đời sống cộng đoàn ngày biếng nhác là ngày chúa nhật. Khi chúng ta làm việc từ sáng đến tối thì không sao. Nhưng ngày chúa nhật là ngày chúng ta không làm việc, chúng ta có thì giờ cho mình. Khi một tu sĩ bắt đầu hỏi mình làm gì buổi chiều và không muốn ở lại cộng đoàn thì bắt đầu nguy hiểm. Thay vì có niềm vui cho thời gian tự do ngày chúa nhật thì niềm vui này lại thành gánh nặng.
Như thế biếng nhác là một nguy cơ đặc biệt trong đời sống tu trì, vì khủng hoảng lớn nhất ngày nay của các tu sĩ dính đến đời sống cộng đoàn. Không phải vâng lời, không phải khiết tịnh là các khó khăn lớn nhưng là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa này luôn làm đời sống cộng đoàn trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, mà đời sống cộng đoàn chỉ có ý nghĩa trong việc lắng nghe nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Chủ trương hoạt động năng nổ là cách để che giấu vấn đề. Khi công việc cuốn hút chúng ta hoàn toàn, chúng ta làm hết việc này đến việc kia không để một khoảng trống tự do nào.
Làm thế nào để chống lại biếng nhác đặc biệt trong đời sống tu trì?
Đôi khi tôi quá bực với các lời dạy trong các sách thiêng liêng vì chúng mâu thuẫn với nhau. Không có một phương pháp duy nhất nào, nhưng phải luôn nhìn vào bối cảnh của từng người.
Trở về với cầu nguyện là không đủ. Phải xem người đó có trao đổi, có duy trì được một tình bạn hay không. Cũng có thể tìm thấy thuốc chữa trong việc đọc Lời Chúa. Quay về với thiên nhiên, đi dạo, chú ý đến cây cối, đến động vật cũng có thể giúp ích. Bởi vì nó mang lại cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống.
Nhưng đôi khi cũng không thể cho lời khuyên vì chúng ta thấy người đó không thể đối diện với trạng huống. Vì thế phải thay đổi bối cảnh cuộc sống. Dù tình trạng sống như thế nào, khi có khoảng không gian thinh lặng, nơi mình có thể bình tâm lắng nghe và có khả năng giao tiếp với người khác thì chúng ta có phương cách để ra khỏi tình trạng biếng nhác thờ ơ nguội lạnh.
Còn ông, ông có bị biếng nhác không? Hay có những lúc gần như biếng nhác? Làm thế nào để ông nhận ra căn bệnh này. Làm thế nào để ông thoát ra?
Có, tôi có biết tình trạng này dưới hình thức “hoang mang”: tôi cảm thấy choáng ngợp bởi hư vô. Đó là các bóng tối, của đêm tối đen, nơi không có gì mang một ý nghĩa. Đối với tôi, đó là giờ mà trong giờ đó bóng tối nói với trái tim tôi, và khi đó lời cầu nguyện của tôi chỉ là lời cầu khẩn duy nhất: “Xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ” (Non confundar me, Domine! Tv 30, 2). Một giờ khổ nhọc và đủ lâu để tôi tự hỏi về ơn gọi của tôi, về mối quan hệ của tôi với Chúa.
Sau đó là lúc tôi phải đứng dậy, nhờ khám phá ra khuôn mặt mới của Chúa, khuôn mặt của lòng thương xót: tôi mới có thể tuyên xưng: “Ngàn đời con ca tụng lòng thương xót của Ngài, Chúa ơi, cho đến tận địa ngục!” Như một Giáo phụ trong sa mạc đã nói: “Chúng ta ngã và chúng ta đứng dậy, chúng ta lại ngã và chúng ta lại đứng dậy! Vì tình yêu Thiên Chúa là ơn mà chúng ta không bao giờ xứng đáng.”
Marta An Nguyễn dịch
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Toàn Giáo hội giữ chay một ngày vì hòa bình
- GP.ĐÀ NẴNG: Thánh lễ Truyền chức Linh Mục
- Phận đời Linh Mục nào ai hiểu thấu
- Thưa Đức Thánh Cha, Ngài có rất nhiều “Tội” !!!
- Giải thích thế nào cho người ngoài Công Giáo về tầm quan trọng của Mẹ Maria?
- Năm cụm từ chính để xây dựng trẻ em có tự tin
- Để tránh áp lực cho con cái