Đang yên ả trong tích tắc bỗng hóa thành thảm kịch. Đang hạnh phúc, ấm êm bỗng chốc thành ký ức kinh hoàng. Ngọn lửa hừng hực cháy. Nhiều cuộc đời đã đổi thay…
Đổi thay như cách người đàn ông gần 60 tuổi, dựa tấm lưng mình ra phía sau, ngửa mặt lên trời, lo nghĩ: “Rồi đây thằng Nhân có thay tính đổi nết. Nó có khác đi nhiều không. Nó sẽ im lặng, tính cách trầm lại hay buồn rầu lại sinh rượu chè, cờ bạc”.
“Rồi đây phải nói sao cho nó là vợ con nó đã mất. Nó biết nó sốc không chịu nổi đâu. Nhưng tui sẽ giải thích cho nó hiểu vì nó chưa đủ sức khỏe nên không nói được. Rồi nó cũng thông cảm cho ba mẹ nó thôi mà”, người đàn ông nhẩm tính như tự giải thích với chính mình.
Những câu hỏi, những suy tính mãi vẫn không có câu trả lời. Bởi con ông vẫn còn nằm trong phòng hồi sức tích cực sau hơn 10 ngày nhập viện.
Toà nhà bị nhuộm đen sau vụ cháy còn bà trong một lúc đã mất đi 3 người thân…
Bệnh viện Chợ Rẫy. 11h trưa. Trời nực và bức.
Khoa phỏng. Lầu 7. Anh bảo vệ kiểm tra tên người bệnh.
Lê Phan Trọng Nhân, 30 tuổi. Phòng chăm sóc đặc biệt – không có. Phòng số 1, số 2… rồi số 7 – không có. Phòng số 4 có người tên Nhân – người mặc áo blouse trắng nói.
Một thân thể cháy đen, băng hết cả người chỉ lộ những ngón tay, ngón chân, không cử động. Không phải!
“Người tên Nhân nằm giường bên cạnh”, một giọng nói vang lên. Người này đỡ hơn. Thân thể cũng cháy, nhưng đang lên da non, bong từng lớp. Mắt láo liên nhìn quanh khi nghe có người hỏi đến tên mình.
“Ở đây không có ai tên Lê Phan Trọng Nhân. Nạn nhân vụ cháy Carina giờ chỉ còn ba người ở khoa phỏng. Phòng số 1 và số 4”, giọng một nữ bác sĩ.
“Ở dãy bên kia, dành cho người bị nặng hơn. Lầu 8”, người mặc áo blouse trắng vừa nói nhanh, tay vừa xếp những vỉ thuốc.
Phòng hồi sức tích cực – phải đi thang máy và có người hướng dẫn. Chỉ một người thân vào thăm, phải có thẻ và áo bệnh viện cấp. Hàng người xếp hàng trước thang máy, cứ dài ra.
Lê Phan Trọng Nhân nhập viện trong tình trạng được bác sĩ chẩn đoán là “chết não”, hy vọng hồi phục cực kỳ nhỏ nhoi. Chính quyền thì nói người này “mê man”, “bị nặng”, nhưng gia đình không chịu là “chết” nên không biết hỗ trợ, động viên thế nào.
Lê Phan Trọng Nhân cũng là cái tên bị thêm vào bớt ra danh sách người tử nạn khiến con số 13 hay 14 cứ chênh chao.
Và điều thần kỳ đã đến. Sau ba ngày hôn mê sâu, anh tỉnh. Người đầu tiên anh nhìn thấy là cậu, không phải ba mẹ. Ba mẹ anh đang khóc lên khóc xuống, lụi hụi ở đám tang của vợ và con anh.
Anh nhấp nháy môi hỏi tình hình vợ con. Anh cố nhìn vào đôi mắt đang gắng gượng, tỏ ra không biết gì của người cậu. Không có câu trả lời.
Hơn 10 ngày, anh vẫn chưa được giải đáp.
Có người đến, bà đứng dậy đi vào trong, để ông tiếp. Bà chuẩn bị vào viện thăm con trai, chỉ từ 3h đến 3h30 nên phải tranh thủ. Bà cũng cố lảng đi để không phải kể về ngày hôm đó nữa.
Vậy mà sắp tới giờ phải đi, bà lại từ trong nhà đi ra, tay cầm điện thoại, mở clip cháu nội đang bập bẹ nói, vừa xem vừa mỉm cười.
“Xem nó này, xem nó nói đây này, trắng nõn trắng nà…”, bà nói vô thức, như quên mất hiện thực. Trong clip cậu bé chưa tròn 3 tuổi kháu khỉnh đang cười tươi rói, bi bô tập nói với mẹ.
“Hỏi nó thương nội không, nó nói: Con thương nội thật là nhiều. Con thương nội thật là nhiều”, bà phụng phịu giả lại giọng cậu bé.
Ông tiếp lời: “Tình thương nhân tình thương. Về đây là đi tắm cũng ông nội, đi xì xì cũng ông nội, gì cũng ông nội hết trơn”. Giọng nói ngập tràn niềm vui như chưa từng có sự đổi thay gì.
Bà run run: “Hỏi thử vầy sao mà chịu nổi. Sao mà chịu cho nổi….” Câu hỏi dài ra rồi tắt lịm, chỉ còn tiếng thở dài thườn thượt.
Bà cố kiềm lại, nhưng không ngăn được tiếng nấc nghẹn ngào, đứt quãng. Bằng giọng rưng rưng sắp chực trào ấy, bà vẫn tiếp tục kể mảng ký ức còn tươi nguyên màu mới về đứa cháu nội “cục cưng”.
Rồi giọng bà xịu xuống, xẹp lép: “Còn gì buồn hơn nữa đâu”. Nghe như một hơi thở dài. Mắt bà hướng ra ngoài cửa, nơi những vệt nắng đang đuổi bắt nhau, nơi thằng cháu nội cười tươi rói ùa chạy về hướng bà khi ba mẹ nó mới vừa đỗ xe. Mới đây thôi mà!
Hơn 10 ngày, cả nhà bà vẫn chưa ổn định lại. Sau 120 phút kinh hoàng đó, mọi thứ xáo trộn. Gia đình bà là một điển hình.
“Nhà có quán chay cơm chay từ thiện gần chung cư, con dâu bán hàng sát vách đó luôn. Ở bên này là nghe tiếng nó bên kia. Giờ làm sao mà bán nổi, không biết khi nào mới qua. Mà chắc không qua, buồn quá”, nói rồi bà rồ xe đi về phía bệnh viện.
Chiếc xe vụt đi về nơi con bà đang giành giật sự sống. Từng giờ từng phút. Mong manh.
Ở nơi đấy, vợ chồng bà phải gồng mình lên để che giấu sự thật khi nỗi đau còn chưa kịp dứt.
“Vợ chồng tui còn rất nhút nhát đi thăm. Tui chỉ dám vào một hai lần. Đi thăm mà không tiên lượng được những câu nó hỏi, trả lời ú ớ là nó sinh nghi. Nhìn vậy thôi chứ tui yếu lòng, dễ xúc động dữ lắm. Tui ghìm không nổi. Báo Công Giáo
Hôm rồi, chị nó vào mà nó nhấp nháy nói: Đừng có nói dối em nghe. Con nhỏ ráng ghìm lại, chạy ra tới cửa phòng là xỉu – nằm luôn”, ông kể.
Trong vẻ trầm tư của người đàn ông là nỗi lo lắng. Lo lắng về những ngày trước mặt khi vợ chồng ông không dám hình dung “thằng nhỏ” 30 tuổi đang giành giật sự sống, sẽ phản ứng ra sao nếu biết sự thật.
Bao nhiêu lần ông vào thăm là bấy nhiêu lần ông chạy ra ngoài phòng. Thật nhanh. Bật khóc.
Ông biết mình đứt ruột khi nghe con hỏi, ông biết ông chịu không nổi khi nhìn “thằng nhỏ” chảy nước mắt từ đôi mắt còn chưa kịp lành vết thương.
Con trai ông đang chống chọi để giành lại sự sống từ trong căn phòng hồi sức tích cực. Lay lắt. Lúc anh mở mắt, nhận diện được người nhà là khoảnh khắc cả nhà “mừng không nói nổi thành lời”.
Bác sĩ nói anh “chết não” nhưng mẹ anh khẳng định: “Bị tổn thương phổi nên hôn mê sâu, chứ chết não sao nhận biết ba mẹ”. Cách lý luận của một người mẹ!
Còn người cha vẫn cứ thấy thật khó: “Có một chữ ‘chết’ nhưng mình không nói được, phải ráng tìm nhiều chữ để nói. Sợ thằng nhỏ sốc”.
Những lo lắng ấy bám riết hai ông bà. Họ phải đặt ra nội quy: Không cho người lạ vào thăm. Không được khóc hay mắt ướt khi vào tới phòng bệnh. Vào tới trong đó là phải vui vẻ nói cười. Và không được ở lâu.
Nhưng bao gắng gượng của ông bà dường như đổ gục khi vào phòng bệnh. Anh Nhân lại cứ dòm chăm chăm vào đôi mắt của ba mẹ, ra dấu hiệu hỏi vợ con rồi đòi xem ảnh, đòi đưa điện thoại để gọi cho hai mẹ con.
“Hôm rồi, tui vào nó cũng nhấp nháy hỏi. Tui vuốt nó: ‘Con yên tâm đi, ba hiểu ý con muốn nói gì. Hiện tại con đang suy nghĩ gì ba biết hết nhưng giờ con yên tâm đi, con ráng giữ gìn sức khỏe’
Nó còn kêu tui đưa điện thoại, tui nói liền: ‘Chưa được đâu con. Trời ơi tay chân con nè, thấy không, vầy bảo làm sao đưa được. Khi nào con ngồi được, tay chân con được rồi thì ba tính cho. Chứ giờ chưa gì hết, đâu được đâu con’.
Nó nghe có lý, nó mới thôi. Nói xong là tui vọt ra ngoài liền, tui biết mình kiềm không nổi”, cứ thế ông trải lòng.
Mẹ anh vừa trở về từ bệnh viện. Dựng xe, bà vào ngồi thở dốc, kể với chồng: “Vô trong đó em chịu không nổi. Nó nói chụp hình vợ con. Mới vừa nói vô đây, người ta không cho mẹ đem cái gì hết trơn thì điện thoại reo. Giờ em vẫn còn run.
Thất thần, hoang mang – đến bao giờ cư dân Carina có thể quên những ký ức của ngày 23-3?
Nó nhấp nháy, ra hiệu vầy vầy, là khóa cửa nhà nó giùm. Chụp hình vợ con nó gửi vô. Tỉnh tỉnh mê mê. Thương nhất vô gặp em mà cứ lấy tay nựng nựng mặt em vầy nè: ‘Mẹ lo vợ con con nghe’”, bà nói mà như khóc.
“Vô trỏng về là mình đau tim. Vô là lật đật đi ra ngoài, không dám ở lâu. Sợ nó xúc động, hỏi nhiều là mình nói dối không được. Quay lưng ra là khóc liền nhưng đứng đó là cười. Nãy còn giỡn với y tá. Cô y tá nói nay tỉnh rồi, biết nhiều rồi.
Mà quen rồi, ngày nào vô thăm cũng hôn con mới về. Mấy hôm nói mẹ hôn con nghe là gật đầu. Mà hôm nay khóc”, lời bà đứt quãng, cảm xúc chen ngang.
Ông tiếp lời: “Mấy hồi khóc dữ lắm, khóc tui đứt ruột, tui chịu không nổi nên tui đâu dám ở lâu”.
Nỗi đau đi ngang qua gia đình họ, không còn bỏng rát nữa, không còn những câu hỏi “vì sao nghiệt ngã ấy lại rơi vào gia đình mình” nữa. Những dòng nước mắt cũng không mặn đắng như trước nữa. Giờ vợ chồng bà học cách ghìm lại để không chực trào, để giữ sự sống cho con trai và để chấp nhận sự thật.
Ngọn lửa phực cháy đã nuốt chửng ba người thân của bà – con dâu, cháu nội và cậu của bé. Còn con trai bà vẫn đang nằm trong phòng hồi sức.
“Về nghe con, về nhanh nghe con. Mẹ đi vào đây mẹ mỏi chân quá rồi. Về còn lo cho vợ con nữa nghe, chứ không nhờ mẹ nữa nghe”, bà rời đi, ráng nở nụ cười với con.
Bà nói như thúc giục chính lòng mình. Bà mong sự thật này mau chóng được nói ra. Đêm nào vợ chồng bà cũng nặng lòng, trăn trở hàng loạt câu hỏi: “Thằng Nhân về tới nhà đi ngang qua bàn thờ vợ con nó, nó có đổ gục xuống không. Nó có chịu nổi không”.
Bao nhiêu cố gắng của ông bà, vậy mà hôm qua, bảo hiểm đem 300 triệu đồng đến tận giường bệnh, nói là “hỗ trợ gia đình”. Bà nghe nói xong, như té hụt một chân. Bà hốt hoảng, sợ con trai nằm đó nghe được mà hiểu vì sao hỗ trợ mức tiền lớn như vậy.
Bà quay sang hỏi mà như trách móc đại diện bảo hiểm: “Không biết công ty con nghĩ sao, nghĩ cái gì mà đem 300 triệu vô tới đây kêu là hỗ trợ. Con cô, nó không ngu đâu, nó hiểu hết đó”. Kể lại mà bà vẫn còn lắc đầu cho sự vô ý vô tứ đó.
Hơn 10 ngày sau vụ cháy, chung cư Carina vắng lặng, mênh mông. Đêm về, Carina chìm trong bóng tối, quạnh hiu đến rợn người.
Những cuộc kiểm tra, tập huấn phòng cháy chữa cháy diễn ra khắp các chung cư trên địa bàn thành phố. Tin tức cũng đã thôi dày đặc trên các mặt báo. Nhưng ai cũng giật mình, thót tim khi nghe tin lại thêm một chung cư cháy.
10 ngày sau, những buổi cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số vẫn tiếp tục diễn ra. Hết đoàn này đến đoàn khác. Lặng lẽ.
Những ánh mắt vẫn ngước nhìn về tòa nhà cao ngút màu xanh tràn ngập hi vọng đã cướp đi 13 mạng người giữa biển lửa. Như một dấu chấm hỏi.
Những hoạt động trị liệu tâm lý vẫn vẫy tay, kêu gọi các tình nguyện viên từ khắp nơi để xoa dịu vết thương cho người ở lại.
Người ta biết đến Carina rồi lại thôi… Ai rồi sẽ nhớ họ, ai rồi sẽ biết những đổi thay của cuộc đời họ.
Những hậu quả, những đau thương vẫn còn nguyên ở đấy. Chỉ là bây giờ những giọt nước mắt không còn tràn ướt câu chuyện. Nỗi đau không còn quằn quại, bẽ bàng.
Chung cư Carina vắng lặng, quạnh hiu những ngày sau vụ cháy
Giật mình giở lại câu chuyện vụ cháy ITC. 60 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, thương tật đến tận bây giờ. Những giọt nước mắt chảy tràn khắp thành phố, tròm trèm đã 16 năm từ buổi chiều trời nắng rất đẹp của năm 2002.
Ngày đó thiết bị chữa cháy còn chưa hiện đại như bây giờ, tiếng kêu la từ các tầng thất thanh để rồi lịm tắt, im bặt đi khi ngọn lửa phực tới.
Con người ta chẳng ai có quyền được lựa chọn sự bất hạnh hay chạy trốn bi kịch đời mình. Nhưng họ có quyền được chọn lựa thái độ sống trước những bi kịch đó. Tôi nhớ mình đã đọc câu nói đại ý như thế trong một cuốn sách.
Nghĩ vậy để lòng thôi đau, để thôi không oán trách ông trời bất công, để biết mình phải gân guốc, phải bản lĩnh mà đi qua những tai họa bỗng nhiên đổ ập xuống đời.
Như lời bài hát vang lên trong buổi lễ cầu nguyện hôm nào ở chung cư, trên nền ánh sáng của hàng trăm ngọn nến lập lòe và những bông hồng trắng.
Cuộc sống này bao nhiêu lần đưa tiễn ngậm ngùi
Nhưng luôn tin rằng ngày mai…
Chẳng có chia lìa, chẳng có hợp tan
Dù sống hay chết tin còn ngày mai.
Sự sống không mất mà chỉ đổi thay
Chẳng ai né được sự đổi thay. Tin vào ngày mai để đôi mắt mình ráo hoảnh những buồn vui, để thôi khắc khoải về người đã nằm lại, để mà đi về phía trước, về nơi sự sống vẫn tiếp diễn.
Nội dung: UYÊN TRINH
Ảnh: HỮU KHOA – XUÂN HƯNG – UYÊN TRINH
Video: UYÊN TRINH
Đồ họa: THÙY TRANG
Concept: BẢO SUZU
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Hồn ma và Giáo Hội Công giáo
- Một cậu bé ɓị ɓắт được ƈύ̛υ nhờ hát Tɧáղɧ Ca
- Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại.
- Suy sụp vì công ty phá sản, tôi là diễn viên đầu tiên xin đến Gò Vấp
- Khuôn mặt của Giuđa
- Sau 250 năm đón nhận Tin Mừng, một ngôi làng ở Bangladesh có linh mục đầu tiên
- THẦN HỌC CÓ DỰA TRÊN KHOA HỌC KHÔNG?