Kitô giáo bị coi là một tôn giáo kỳ dị đã từ rất lâu, từ những ngày đầu mới thành lập. Thánh Phaolô từng viết rằng “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1:22-23).
Nhận định của Thánh Phaolô càng nổi bật hơn nữa khi xã hội hiện đại chính thức đi vào giai đoạn “hậu Kitô Giáo” hiện nay. Con người hiện đại càng ngày càng thấy Kitô giáo “kỳ dị” thêm ra. Nhiều Kitô hữu chán nản trước hiện tượng mất hết “quyền lực” như thế, nhưng không thiếu những nhà lãnh đạo Kitô giáo, như Russell More, Chủ tịch Ủy Ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo của Công Hội Baptist Miền Nam, không lấy thế làm điều ngã lòng mà còn muốn duy trì “nét kỳ dị” của tôn giáo mình (xem, “Russell Moore Wants to Keep Christianity Weird” tại https://www.christianitytoday.com/ct/2015/september/russell-moore-wants-to-keep-christianity-weird.html).
Nhưng trên tờ New York Times ngày 8 tháng 5 vừa qua, trong bài “Christianity gets weird”, khi Tara Isabella Burton nói đến hiện tượng Kitô giáo đang trở nên kỳ dị, thì cô không hẳn nói đến Kitô giáo nói chung mà là một khuynh hướng mới trong Kitô giáo, một nhóm rất hạn chế, rất nhỏ nhoi, nhưng trên đà gia tăng, nhất là nhân cơ hội Covid-19.
Nhóm ấy bao gồm tác giả, nhân mùa đại dịch, lần đầu tiên mở truyền hình tham dự Thánh Lễ trực tuyến “cầu nguyện để rước lễ thiêng liêng khi vị linh mục của tôi chịu Mình Thánh trước bàn thờ. Màn hình hết sức rõ ràng. Phẩm chất âm thanh vào bậc nhất. Nhưng Thánh Lễ nhất định thuộc trường phái cũ.
“Vì không có ca đoàn, nhà thờ của tôi, Giáo Hội Giám Chức Thánh Inhaxiô Thành Antokia ở Thành Phố New York, chỉ có người đệm đàn hát Thánh Lễ truyền thống bằng bình ca Grêgôrianô. Để có thể hát theo, vị linh mục của chúng tôi đề nghị sử dụng Liber Usualis, một sách hát đã có từ thế kỷ 11”.
Ngoài ra, tác giả cũng tụ họp qua Zoom với bạn bè để hát kinh đêm (compline), một kiểu cầu nguyện bắt nguồn từ truyền thống đan viện trung cổ. Và cô cho hay “Tôi không đơn độc. Một người bạn của tôi đã tham dự Thánh Lễ Latinh ở các nhà thờ khắp Hoa Kỳ: Thánh Lễ ở Washington lúc 11 giờ sáng, ở Chicago lúc trưa”.
Cô cho hay “Coronavirus dẫn nhiều người đi tìm ủi an và giao tiếp nghiêm túc hơn với tôn giáo”. Nhưng theo cô “các cách phát biểu đức tin đặc thù nói trên, với thứ ngôn ngữ lỗi thời và cảm thức lộng lẫy xa xưa” không hẳn là điều mới lạ mà đã có từ trước khi có đại dịch; đại dịch chỉ làm rõ nét hơn mà thôi.
Thấp thoáng bóng hình siêu việt
Thực thế, cô cho hay “càng ngày, các Kitô hữu trẻ, vỡ mộng trước các nhị phân chính trị, bất trắc kinh tế và trống rỗng tâm linh vốn đang xác định ra Hoa Kỳ hiện đại, càng đi tìm ủi an trong một viễn kiến nhất định có tính phản hiện đại về đức tin. Khi coronavirus và các vụ cấm cửa tiếp theo đó làm nổi bật các thất bại của trật tự xã hội đương thời, thì các hình thức lòng đạo cổ xưa bỗng đem đến cho người ta một thấp thoáng bóng hình siêu việt vượt quá hiện tại mong manh”.
Cô bảo “nhiều người trong chúng tôi tự gọi mình là ‘Các Kitô Hữu Kỳ Dị’, dù hơi khôi hài. Điều chúng tôi có chung là: chúng tôi coi việc trở về với các hình thức thờ phượng cổ xưa là cách trốn thoát cuộc khủng hoảng của thời hiện đại và niềm tin có tính tự do tư bản chủ nghĩa vào chủ nghĩa duy cá nhân”.
Theo tác giả, “các Kitô hữu kỳ dị bác bỏ, coi như quá thoả hiệp, các Giáo Hội nào, chủ yếu thuộc chính dòng Thệ Phản như Giáo Hội Giám chức (Episcopalianism) hay Giáo Hội Lutherô, hạ giá các yếu tố kỳ lạ hơn và siêu nhiên hơn của đức tin (như các phép lạ hay việc phục sinh theo nghĩa đen của Chúa Giêsu Kitô). Nhưng họ cũng bác bỏ cả chính sách hổ lốn của chủ nghĩa duy quốc gia sắc tộc (ethnonationalism), duy tư bản không hạn chế và nền chính trị của Đảng Cộng Hòa vốn xác định ra phong trào tin lành da trắng hiện đại”.
Người Kitô hữu Kỳ dị “thấy nền thần học cổ xưa có thể giải quyết các vấn đề hiện thời hay hơn bất cứ giải pháp nào của thế giới thế tục hiện đại”.
Rã hàng với những người cùng thế hệ
Làm thế, theo tác giả, các Kitô hữu Kỳ dị này đã rã hàng với những người khác cùng thế hệ với họ.
Các người thiên niên kỷ và thế hệ Z ngày nay, dù sao, cũng đang lớn lên trong một thế giới trong đó nền văn hóa thế tục được coi là đương nhiên (default). Gần như mọi nhánh của Kitô giáo Hoa Kỳ đang giảm dần về dân số.
Theo cuộc thăm dò của Pew, chỉ có 43 phần trăm người trưởng thành Hoa Kỳ tự gọi họ là Thệ phản, so với 51 phần trăm cách nay 13 năm. Phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ cũng giảm 4 điểm, xuống còn 20 phần trăm. Theo cuộc nghiên cứu rộng dài mới đây, năm 2014, 1 phần 3 người thiên niên kỷ nay tự nhận mình “không thống thuộc tôn giáo, cũng như khoảng 1 phần 4 người trưởng thành Hoa Kỳ nói chung, so với 16 phần trăm năm 2007. Gần như 1 trong 5 người Hoa Kỳ từng được dưỡng dục trong 1 tôn giáo nhưng sau đó đã tham gia hàng ngũ những người không thống thuộc tôn giáo nào.
Ngay trong những người Hoa Kỳ nói rằng họ thuộc 1 truyền thống tộn giáo, tương đối ít người thực hành đức tin của họ cách thường xuyên. Ít hơn 40 phần trăm những người tự nhận là Công Giáo, và 1 phần 3 những người Thệ Phản chính dòng, tham dự phụng vụ hàng tuần. Chỉ có 22 phần trăm các đám cưới Hoa Kỳ được tổ chức tại các nơi thờ phượng trong khi năm 2009 phần trăm này là 41.
Ngay những người Hoa Kỳ tin vào một quyền năng cao hơn cũng ít gắn bó hơn với các tín điều. Các yếu tố cổ truyền trong sinh hoạt tôn giáo như cộng đồng, nghi thức, cảm thức mục đích mỗi ngày mỗi tách biệt lẫn nhau, theo kiểu nói của các học giả của Trường Thần học Harvard Casper ter Kuile, Angela Thurston và Sue Phillips.
Tóm lại, Kitô giáo không còn là điều đương nhiên của người Hoa Kỳ nữa. Những Kitô hữu chỉ đi nhà thờ vào dịp Giáng sinh và Phục sinh và những người chỉ coi tôn giáo chủ yếu như chuyện xã hội hay cộng đoàn, nay có đủ các chọn lựa ít đòi hỏi hơn. Các đòi hỏi toàn diện của một đức tin như Kitô giáo: triệt để từ bỏ quyền lực thế gian và sự thành công trong việc kết án tình dục tiền hôn nhân, chỉ còn hấp dẫn đối với những ai mong muốn một điều đòi hỏi hoàn toàn.
Kitô giáo Kỳ cục coi trọng cả nhạc rock lẫn chủ nghĩa truyền thống
Theo Burton, Kitô giáo Kỳ cục coi trọng cả chủ nghĩa truyền thống lẫn nhạc rốc (punk): một thứ Kitô giáo thay thế cho nền văn hóa thế tục duy tư bản hiện thời. Giống nhạc rốc, Kitô giáo Kỳ dị có riêng nền mỹ thuật được định nghĩa rõ ràng của nó. Nhiều Kitô hữu Kỳ dị trên phổ hệ tuyên tín và chính trị biểu lộ niềm yêu thích các thực hành cổ xưa hơn và cầu kỳ hơn về phụng vụ, như Nghị Lễ I của Giám Chức, một hình thức thờ phượng sử dụng ngôn từ thời Nữ Hoàng Elizabeth hay Thánh Lễ Latinh, hoặc đội khăn khi vào nhà thờ,
Hàng ngũ những người tự mô tả mình là Kitô hữu Kỳ dị khá nhỏ, và phần lớn giới hạn vào Internet, nhưng bằng chứng hiện cho thấy có nhiều người lưu ý tới nền mỹ thuật của Kitô giáo duy truyền thống hơn bạn nghĩ.
Thí dụ, trong khi số người Công Giáo Hoa Kỳ đang trên đường giảm dần, thì việc tham dự tại các giáo xứ cử hành Thánh Lễ Latinh đang trên đường gia tăng. Một số giáo xứ đã gia tăng gấp đôi số người tham dự các thánh lễ này trong ít năm qua. Ngay một số nhà thờ Tin Lành, vốn không ưa “mùi hương và tiếng chuông” của các thực hành xưa, cũng đang theo lối thờ phượng này.
Một Kitô hữu Kỳ dị điển hình là Ben Crosby, một chủng sinh của Giáo Hội Giám chức, đã dùng Google Hangouts để đọc Phụng vụ Người Chết, một lối cầu nguyện khá xa lạ với Sách Nguyện Anh Giáo. Anh đến với đức tin nhờ được nền mỹ thuật “không thuộc đời này” đánh động. Anh kể lại việc anh tham gia một buổi lễ tại một giáo xứ Anh Công Giáo (Anglo Catholic) “Tôi bước vào buổi lễ và đó là lòng nhà thờ rộng lớn, đẹp đẽ, tân gôtích thế kỷ 19, làn khói hương trầm tỏa lên trần nhà, nến đèn khắp nơi. Quả là điều tôi chưa bao giờ cảm nghiệm trước đó”.
Cũng thế đối với Rod Dreher, biên tập viên kỳ cựu, blogger của tạp chí “The American Conservative” và là tác giả của “Giải Pháp Bênêđíctô” (the Benedict Option), 1 cuốn sách bán chạy nhất năm 2017, chủ trương Kitô hữu nên từ bỏ cuộc chiến văn hóa để chú tâm sống trong các cộng đồng có ý hướng và theo Chúa. Mỹ thuật là bước đầu mạnh mẽ dẫn ông trở lại, trước nhất theo Công Giáo sau đó theo Chính thống giáo.
Trọng mỹ thuật và có tính đòi hỏi hơn
Lời Dreher: “Thập niên 1980, mới là một thiếu niên, tôi nghĩ Kitô giáo một là lớp người cầu nguyện trung lưu dễ làm người ta buồn chán hai là thứ Ngũ Tuần sợ lửa hỏa ngục của Jimmy Swaggart. Cả hai đều không nói với tôi”. Nhưng lúc 17 tuổi, thăm Nhà Thờ Chính Tòa Chartres với một nhóm du lịch tới Pháp, ông hoàn toàn choáng ngợp trước nền kiến trúc gôtích hùng vĩ: “Tôi nghĩ đây là lý do tại sao có loại người thực sự bị lôi cuốn vào các hình thức thờ phượng xưa hơn, đầy nghi thức, và thẩm mỹ của Kitô giáo. Nó nói tới một điều sâu thẳm trong chúng ta, và, theo tôi, đây là một lối nổi loạn chống lại thứ xấu xí và trần trụi của thời hiện đại”.
Burton cho rằng phương thức lỏng lẻo của Hoa Kỳ hiện đại đối với linh đạo là điều đang khiến nhiều Kitô hữu Kỳ dị có quan niệm đòi hỏi hơn về đức tin. Tuy nhiên, đồng thời chính các cải tiến kỹ thuật của nền văn hóa Hoa Kỳ hiện đại, trong đó có tuyệt đỉnh linh đạo là Twitter, đã làm cho việc tìm kiếm tâm linh của họ khả hữu.
Các diễn đàn truyền thông xã hội, với hàng triệu người sử dụng và các giải thuật (algorithms) của chúng nhằm giúp người sử dụng gặp gỡ những cá nhân đồng hội đồng thuyền với mình, là những mảnh đất mầu mỡ cho các cộng đồng như Weird Catholic Twitter, một hạn từ lỏng lẻo chỉ các người Công Giáo phần lớn thuộc lớp tuổi thiên niên kỷ và cực kỳ ham mê internet. Các đối tác Anh Giáo và Chính Thống của họ có số thành viên nhỏ hơn.
John Garry, một người trẻ 22 tuổi thuộc Manhattan College, trở về với Kitô giáo một phần nhờ Weird Catholic Twitter. Được dưỡng dục như một người Công Giáo “trung lưu ở ngoại ô”, anh học trường Công Giáo, nơi anh cảm thấy một thứ Kitô Giáo ngây thơ, đầy thứ tín lý tầm thường về phương diện tri thức (dumbed-down) và “tuột xa xuống dưới điều phần lớn những người cùng tuổi tôi có thể nghĩ tới”.
Lên lớp 8, Anh rời bỏ Giáo Hội để chạy theo các ý thức hệ được anh lưu ý. Anh theo thuyết Mácxít một thời gian. Rồi lúc sắp có cuộc bầu cử năm 2016, anh có lui tới với nền chính trị cực hữu, làm việc cho Breitbart. Trong thời gian ấy, anh theo một chương mục Công Giáo chống cải tiến. Điều này dẫn anh tới Weird Catholic Twitter.
Đối với Garry, Weird Catholic Twitter “khác với cả loại thế giới cực hữu [alt-right] lẫn giai cấp trung lưu, thế giới đặc trưng Hoa Kỳ tôi từng lớn lên trong đó”. Nó là một cộng đồng không những “chấp nhận một cách triệt để” mà còn tập chú vào một điều “đẹp đẽ và siêu việt”. Anh cho rằng đó là một cộng đồng trong đó, người ta không những tốt với nhau, mà còn đầu tư sâu xa vào việc giúp làm cho nhau tốt hơn.
Viễn kiến tiền hiện đại
Chẳng bao lâu sau đó, anh bỏ thế giới cực hữu, thế giới mà nay anh mô tả là “tởm gớm” và trở thành cả một người Công Giáo đổi mới lẫn một thành viên lâu đời của mạng lưới Công Giáo Kỳ Dị dưới tên “MechaBonald” (có ý nhắc tới nhà phản cách mạng Pháp thế kỷ 19). Và hiện nay, dù có lúc anh mô tả nền chính trị của mình là Mácxít, anh vẫn coi chúng bắt nguồn từ một viễn kiến Kitô giáo “khác với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa tự do hiện đại”.
Cái cảm thức nổi loạn ấy — tức việc chống lại thời hiện đại một cách có ý thức— thấm nhiễm nền chính trị Kitô hữu Kỳ dị y hệt như nền mỹ thuật của họ.
Kitô giáo duy truyền thống từ lâu vốn là của chung các giới cực hữu và chống cải tiến, trong đó, nhiều người coi nó như một thành lũy chống lại các lực lượng hiện đại chủ trương chính xác chính trị và luân lý tính dục tự do. Thí dụ, năm ngoái, Daryush Valizadeh, cựu nghệ sĩ cực hữu ngành cố vấn quyến rũ phụ nữ (pickup artist), được biết nhiều hơn dưới tên Roosh V, công bố anh đã trở về với đức tin Chính Thống giáo Tông truyền Ácmêni thời thơ ấu của anh và cấm mọi ngôn từ về làm tình tiền hôn nhân trong các trang mạng của mình. Anh vẫn công kích phong trào duy nữ và các người thuộc nhóm đồng tính và chuyển giới (L.G.B.T.Q) nhưng với quan điểm Kitô giáo, vì anh kết luận rằng “Đời sống hiện đại là AIDS”.
Thuật ngữ Latinh “Deus vult” — “Thiên Chúa muốn thế”, có ý nhắc đến lời của Đức Giáo Hoàng Urbano II hiệu triệu chiến đấu thời Đệ nhất Thập Tự chinh – đã trở thành còi hiệu (dog whistle) phổ thông của phong trào bài Hồi Giáo nơi giới cực hữu liên mạng. Với những người này, Kitô giáo là một loại xách nhiễu liên mạng (trolling) được tâm linh hóa của thế giới hiện đại; loại này đem lại cho họ một phương tiện để cổ vũ một viễn kiến đặc thù, thường là da trắng và Tây Phương, của thời tiền hiện đại.
Giống như trên bất cứ không gian mạng nào, các người chống cải tiến vốn làm cho sự hiện diện của họ được cảm nhận trong các cộng đồng Kitô giáo liên mạng. Nhưng đối với nhiều Kitô hữu Kỳ dị, đức tin của họ là lời kêu gọi hướng tới một nền chính trị tiến bộ hơn. Giống các đối tác chống cải tiến, họ coi Kitô giáo như thành lũy chống lại những tệ hại của thời hiện đại, nhưng họ có khuynh hướng liên kết các tệ hại của thời hiện đại với các quá trớn của chủ nghĩa tư bản hoặc với nền văn hóa kinh doanh (transactional) vốn giản lược các hữu thể nhân bản vào hàng các khoản trên ngân sách, hay các khuôn mặt ẩn danh trên áp dụng hẹn hò.
Chống quan điểm tự do của tư bản
Leah Libresco Sargeant, một tân tòng Công Giáo và là một nhà văn mô tả các quan điểm của cô gần cùng đường hướng với Đảng Liên Đới Hoa Kỳ (America Solidarity Party), nghĩa là phối hợp việc tập chú vào công bình kinh tế và xã hội với việc chống đối phá thai, án tử hình và trợ tử, bác bỏ các quan niệm về tự do nhân bản của chủ nghĩa tư bản.
Cô viết: “Ý niệm coi cá nhân như đơn vị căn bản của xã hội, người ta được hiểu nhiều nhất nhờ nghĩ về họ như những hữu thể đơn độc duy nhất” là quan niệm sai lạc từ căn bản. “Nó không dành đủ chỗ để nói tới sự yếu đuối và phụ thuộc của con người” – những ngôn từ cô coi như thành phần cấu tạo ra Kitô giáo, với việc nó quan tâm tới sự sống nhân bản từ lúc tượng thai cho tới khi chết tự nhiên.
Thầy chủng sinh Crosby thì cho rằng: Kitô giáo Kỳ dị thay thế cho “cả các hình thức cấp tiến hơn lẫn các hình thức bảo thủ hơn của Kitô giáo Hoa Kỳ”. Dù thầy cho rằng thầy cảm thấy mình cùng đường hướng hơn với cánh cấp tiến, thầy từng làm việc như một nhà tổ chức nghiệp đoàn sau thời gian học cao đẳng, nhưng thời gian ở trong phong trào thợ thuyền đã khiến thầy vỡ mộng đối với các giải pháp thuần chính trị. Thầy bảo “Chúng ta không thể tự cứu chúng ta”. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta thôi.
Cách tiếp cận với Kitô giáo như trên có thể không phải là cách tiếp cận thường được diễn tả trên các phương tiện truyền thông chính dòng. Những phương tiện này có khuynh hướng tập chú hoặc vào phong trào tin lành da trắng bảo thủ về chính trị hoặc vào phong trào tương đương với nó nhưng dịu dàng hơn. Nhưng hình như nó chỉ phản ảnh một tương lai duy nhất có thể có của Kitô giáo trong thời đại duy tục: như một bác bỏ đã bão hòa về tâm linh đối với nền văn hóa vốn bác bỏ siêu việt.
Hiện tại, dĩ vãng, tương lai
Burton cho rằng dù gì, Kitô giáo cũng chỉ trở nên thành công nhất khi đòi hỏi nhiều nhất. Một cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Pew năm 2016 thấy rằng con cái được dưỡng dục trong các gia hộ không có lấy một căn tính được cột bằng đức tin nào, một là các gia hộ ít khi nói tới tôn giáo hai là các gia hộ liên tôn trong đó các tôn giáo khác nhau được trình bầy như các chọn lựa có thể có của gia đình, các gia hộ như thế có xác suất rời bỏ các tôn giáo có tổ chức hơn là các gia hộ chính thống hơn.
Trong thời gian bị cấm cửa, khi phần lớn người ta sống trong không gian tinh vân kỹ thuật số, việc trở về với Kitô giáo thời trung cổ, dù được trung gian qua màn ảnh, xem ra được hoan nghinh. Đây chính là cảm nghiệm của Burton và chồng cô, khi họ đốt nến vào sáng tin mơ Lễ Phục Sinh và cùng hát khúc Exultet (“Đây là đêm với cột lửa sua tan bóng tối tội lỗi”) trong lúc xe cứu thương hú còi bên ngoài chiếc cửa sổ căn hộ của họ ở Upper Mahattan, lời lẽ bài ca càng tỏ ra mạnh mẽ vì tính lịch sử của nó.
Họ hát cùng một bài hát đầy hứa hẹn từng được không biết bao nhiêu người hát trong những thời đầy sầu buồn khổ não. Khi họ mở truyền hình để tham dự Kinh chiều với vị linh mục của họ, kết thúc bằng Kinh Magnificat, bài ca sùng kính của Đức Maria, họ không những dành giờ để chào thăm các đồng bạn giáo dân trong giáo xứ của họ mà còn cảm nghiệm được tình liên đới với Giáo Hội, một Giáo Hội đã thực sự vượt chính thời gian. Dính cứng trong căn hộ cả hàng tuần nay, nhưng họ vẫn cảm nghiệm được cả mối liên kết cộng đoàn lẫn cảm thức rằng cái hiện tại hãi hùng, trần thế này sẽ không ở đó mãi.
Phong trào Kitô hữu Kỳ dị, dù lỏng lẻo và trứng nước, theo Burton, không chỉ là chuyện mỹ thuật kiểu pha trộn nhạc rock với duy truyền thống, một thứ lên giá trị cho một dĩ vãng chỉ tượng hình một nửa. Nó có tiềm năng hơn cả khi nó thách thức hiện tại và tái tượng hình tương lai. Giống rất nhiều người trẻ Hoa Kỳ thuộc đủ mọi xác tín tôn giáo, các người theo nó nổi bật ở lòng thèm khát một điều gì đó hơn là điều mà nền văn hóa đương thời của Hoa Kỳ có thể cung ứng, một điều gì đó siêu việt, có ý nghĩa chính trị, thách thức bản thân họ. Giống ám ảnh “chân thực” của híppi từng đánh dấu giai đoạn giữa thập niên 2010, việc xuất hiện Kitô giáo Kỳ cục phản ảnh ước muốn chưa thành của Hoa Kỳ đối với một điều gì đó có thực chất.
Đại dịch vừa là thập giá vừa là cơ hội
Người ta chưa rõ thế giới sẽ ra sao khi đại dịch coronavirus cuối cùng sẽ chấm dứt. Nhưng đối với những Kitô hữu Kỳ dị, cuộc khủng hoảng này tăng gấp đôi lời kêu gọi hành động. Đối với Ông Garry, trước đây từng hợp tác với Breitbart, nó làm rõ “niềm đói khát tuyệt đối việc giúp đỡ lẫn nhau ở Hoa Kỳ”. Ông bảo: Kitô giáo “buộc chúng ta không những chăm sóc những người chung quanh ta, mà còn tìm cách hòa nhập cuộc sống ta nhiều hơn nữa vào cuộc sống của họ, một loại liên đới nhất thiết bao hàm việc tạo ra các tổ chức như thế này để giúp đỡ lẫn nhau”.
Ông Crosby đồng ý. Ông bảo: cơn đại dịch làm mọi người hiểu rõ: các viễn kiến của cả người cấp tiến lẫn người bảo thủ về đời sống Hoa Kỳ, đặt căn bản trên việc “tự hoàn thành chính mình nhờ được giải thoát để theo đuổi các uớc mơ của mình” là điều không đủ. Theo ông, “Hóa ra chúng ta cần có nhau và cần có nhau một cách da diết”.
Ông nói thêm, điều Kitô giáo cung ứng là “một phiên bản cuộc sống chung khỏe khoắn hơn việc cá nhân theo đuổi giấc mơ thành toàn hay lợi nhuận”. Dưới ánh sáng viễn kiến này, đại dịch hiện thời có thể “là cả thập giá phải mang lẫn cơ hội để phản ảnh tình yêu từng tỏ hiện trước nhất cho chúng ta nơi Chúa Kitô”.
Vũ Văn An
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Khi nào không được cử hành Thánh Lễ Hôn Phối hay Bí Tích Hôn Phối
- ĐTC cầu nguyện nơi máng cỏ đầu tiên của Thánh Phanxicô thành Assisi
- Thư Ađam gửi cho Evà
- “Việt Nam: Con Đường Nhân Bản”, “Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền” và Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc
- 1 Cô Đạo Phật Cõng 1 Cô Đạo Cao Đài Đến Với Lòng Chúa Thương Xót
- 22 năm ngày về trời của mẹ Teerrexa Calcutta (5.9.1997 – 5.9.2019)
- Một vài nét về nguồn gốc tháng hoa và việc dâng hoa