Để tránh áp lực cho con cái


Alibert nói: “Người cha vừa là người hướng đạo vừa là người lãnh đạo, đồng thời vừa là quan tòa vừa là thầy dạy của con cái.” Còn Hosea Ballon khẳng định: “Sự giáo dục bắt đầu từ lòng mẹ, mọi lời nói ra trong tầm nghe của trẻ đều có khuynh hướng tạo nên tính cách của trẻ.” Cha và mẹ đều có mức độ quan trọng đặc biệt đối với con cái, chúng không thể thiếu ai. Nếu thiếu một trong hai thì chúng sẽ bị “lệch lạc,” mất cân bằng tâm sinh lý.

Sinh con thì dễ, nhưng để làm cha mẹ và giáo dục chúng thành nhân thì rất nhiêu khê, đòi hỏi nhiều ở cha mẹ. Tục ngữ Trung Quốc nói: “Mười phần sung sướng thì hưởng lấy năm phần, còn lại dành cho con cháu. Nếu sung sướng mà hưởng hết thì sau này con cháu sẽ không bằng người.”

Hằng ngày đôi khi cha mẹ vô tình gây áp lực cho con cái. Do vậy, trước mặt thì chúng “làm theo” nhưng sau lưng thì chúng chỉ muốn “nổi loạn,” chúng sợ bề ngoài nhưng không “tâm phục khẩu phục.” Vì thế cha mẹ cũng phải nghiêm túc tự kiểm điểm chính mình xem nguyên nhân nào khiến chúng không vâng lời. Tự hỏi chính mình nữa chứ đừng chỉ hỏi con cái: Đi đâu? Đi với ai? Khi nào về? Làm gì? Hãy làm cái này, hãy làm ngay, đừng làm như thế…, hoặc các kiểu nói tương tự.

Nên nhớ rằng giáo dục cũng cần theo dõi, nhưng không nên theo dõi theo kiểu “thám tử.” Hãy hướng dẫn chúng chứ đừng tỏ vẻ “ra lệnh.” Tâm lý chung là chúng luôn thích làm ngược lại ý cha mẹ để chúng tự khẳng định mình. Nếu chỉ bảo rạch ròi, đến nơi đến chốn, và luôn ôn hòa thì chúng sẽ ngoan ngoãn làm theo với lòng kính phục.

Đây là những điều cha mẹ nên làm để tránh áp lực cho con cái:

  1. Nhắc nhở chúng cẩn thận và có trách nhiệm khi làm bất cứ việc gì, dù là việc nhỏ, làm đến nơi đến chốn, vui vẻ làm chứ không miễn cưỡng. Tránh động thái ra lệnh hoặc bắt buộc.
  2. Chỉ “nói chuyện phải trái” với bạn bè của con cái khi thực sự cần thiết, nếu không thì chỉ “đổ thêm dầu vào lửa.”
  3. Đừng lên án những kiểu ăn mặc trẻ trung hoặc sở thích “nhạc giật” của chúng. Nếu thấy có gì quá lố thì hãy từ từ phân tích để chúng hiểu ra. Vô tri bất mộ!
  4. Đừng quá lo lắng mà cấm chúng đọc hoặc xem gì. Nên hướng dẫn và khuyên bảo cặn kẽ với lòng yêu thương. Tránh nạt nộ, la rầy hoặc đay nghiến.
  5. Đừng để chúng quá tự do sử dụng internet hoặc một trò chơi vi tính nào đó. Không cấm nhưng hướng dẫn chúng sử dụng khi thực sự cần thiết, đồng thời dạy chúng biết quý thời gian, tiết kiệm điện và tiền bạc.
  6. Nhắc nhở chúng làm bài, làm việc nhà nếu chúng quên, đồng thời nhắc nhở chúng tập sống tự lập và chủ động. Khi nào cần thiết thì mới làm giúp – nếu thực sự cần thiết và nếu có thể.
  7. Để chúng tự làm những gì hợp khả năng để phát triển năng khiếu riêng, và tự tìm những gì chúng bị thất lạc để tập tính ngăn nắp và ý thức trách nhiệm, đồng thời dạy chúng không được tò mò chuyện của người khác và không được tự ý lục lọi hoặc lấy đồ của người khác – dù không ai biết.
  8. Đừng kiểm tra “chặt chẽ” các cuộc điện thoại chúng nhận hoặc gọi, nhưng cũng không để chúng tự do gọi khi không cần thiết hoặc để “tám chuyện” vô bổ.

Ai cũng yêu thương và lo lắng cho con cái. Tuy nhiên, hãy yêu thương đúng cách để chúng không ỷ lại vào người khác, và lo lắng cho chúng chứ đừng kiểm soát nghiêm ngặt quá. Nhờ vậy mà chúng nhận thấy gia đình là “chiếc nôi hạnh phúc,” để rồi cứ đi xa một chút là chúng thấy nhớ và muốn quay về.

Có thể không nói chuyện nhiều với nhau vì ai cũng cần làm việc riêng, nhưng điều quan yếu là phải cảm thấy sự thoải mái, không hề miễn cưỡng nhìn nhau. Đó mới là gia đình, đúng nghĩa là “tổ ấm.” Thật vậy, sống trong tổ ấm thì đừng để ai cảm thấy… “lạnh,” dù chỉ một thoáng. Mỗi người hãy là cuốn sách mở sẵn ra cho người khác đọc!

TRẦM THIÊN THU

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết