Điều gì còn lại trong chúng ta sau lễ Giáng Sinh?

Nếu chúng ta coi lễ Giáng Sinh như bao lễ hội khác của thế giới nhân loại thì lễ xong là chấm dứt tất cả. Cái không khí rộn ràng, những bài hát du dương thánh thót, những buổi trình diễn hoành tráng hấp dẫn, những gặp gỡ nồng ấm thân tình, những cuộc vui chơi tấp nập rộn rã, tất cả những thứ nhất thời đó đều qua đi nhanh chóng. Vậy cuối cùng điều gì còn đọng lại trong chúng ta?

Đối với Ki-tô hữu chúng ta, sự kiện Chúa Giáng Sinh làm người đã trở thành một biến cố vô cùng đặc biệt vì nhờ đó chúng ta được gặp gỡ, được thay đổi và được gần gũi với Thiên Chúa một cách chân thực nhất, sâu xa nhất. Thánh I-rê-nê đã nói về Đức Ki-tô rằng: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Việc Chúa nhập thể làm người không phải là một câu chuyện thần thoại nào đó xa lạ với con người và cuộc sống chúng ta. Đó là một biến cố làm thay đổi số phận của tất cả loài người chúng ta. Điều đó đã trở thành Tin Mừng mà chúng ta không ngừng loan báo.

Tuy nhiên, xét thực tế, khi cử hành mầu nhiệm và biến cố Nhập Thể trong thánh lễ tạ ơn mừng Con Chúa Giáng Sinh, chúng ta đã thực sự có được niềm vui và sự thay đổi nào chưa? Hay đó chỉ là một thói quen đạo đức hời hợt bên ngoài và một lối sống đạo vụ hình thức. Sau đây chúng ta sẽ suy nghĩ về lời tâm sự của một linh mục nhân dịp mùa Giáng Sinh này: [1]

“Mỗi mùa Noel về là ta được mời gọi đến chiêm ngắm Chúa nơi hang đá Belem. Nhưng xem ra mùa Noel này lại đến mùa Noel khác chúng ta vẫn chưa thay đổi, chúng ta vẫn đi lại lối cũ, lòng chúng ta vẫn ngổn ngang trăm chiều và thế giới vẫn hận thù chiến tranh. Có lẽ vì chúng ta chưa gặp Chúa. Chúng ta đi xem hang đá như đi vào lễ hội. Chúng ta đến hang đá để tìm niềm vui với bạn bè và với tình nhân. Xong cuộc vui đêm Noel chúng ta lại trở về lối cũ. Con đường cũ, cuộc sống cũ vẫn bon chen, vẫn tham sân si…

“Thực vậy, nhìn vào dòng người tấp nập trong những ngày mừng lễ Noel, ta thấy phần đông không đi triều bái Con Thiên Chúa. Họ đi dự lễ hội với người yêu, với người thân. Họ tranh thủ chụp hình góc cạnh này, góc cạnh kia để tìm cho mình một tấm hình ưng ý. Các giáo xứ năm nay cũng trang hoàng khung cảnh giáng sinh hoành tránh hơn, hiện đại và nguy nga hơn để đáp ứng nhu cầu chụp hình của con người. Lướt qua facebook ta thấy họ kể cho nhau nghe giáo xứ này cây thông độc lạ nhất, giáo xứ nọ con đường được trang hoàng như đi vào hang động thiên thai tráng lệ, và giáo xứ kia hang đá to nhất.

“Xem ra Chúa vẫn cô đơn trong chính ngày kỉ niệm giáng sinh của mình. Con người lại mùa Noel này và mùa Noel nữa cũng chỉ nhớ nhau về những công trình con người mà không còn cảm xúc về mùa Noel gặp Chúa tràn đầy niềm vui tâm hồn như các mục đồng năm xưa”.

Thực vậy, phần đông tín hữu chúng ta cứ nghĩ rằng nhiệt tình tham dự tĩnh tâm mùa Vọng là xong. Đi xưng tội theo lời kêu gọi của cha xứ là xong. Hàng hàng lớp lớp chen nhau tham dự thánh lễ đêm và ngày Giáng Sinh là xong. Hội đoàn liên hoan mừng lễ Giáng Sinh là xong. Thánh lễ đông người tham dự, có nhiều ca đoàn thi đua hát hợp xướng, có kèn trống linh đình là xong. 

Tất cả những điều đó không đáng phàn nàn nhưng liệu những việc ấy có đủ sức mạnh giúp ta buông bỏ nếp sống và con người cũ nhờ đó Chúa đến với ta một cách thong dong và ta đến với Chúa một cách tự do thoải mái không. Bởi vì mặc dù ơn cứu chuộc là ơn ban nhưng không nhưng chúng ta phải thực tình hoán cải và mở lòng đón nhận. Chúng ta biết rằng để tạo dựng ta, Chúa không cần ta nhưng để cứu ta, Chúa cần ta cộng tác với một tấm lòng biết ơn sâu xa và sự khiêm tốn thẳm sâu nhất. 

ĐGM GB Bùi Tuần, trong bài chia sẻ dịp lễ Giáng Sinh vừa qua có tựa đề “Quà giáng sinh Chúa ban cho tôi năm nay” đã viết như sau: [2]

“Chúa đến để cứu tôi. Tôi sẽ được cứu, nếu tôi đón nhận Chúa. Tôi đón nhận bằng sự ăn năn sám hối.

“Tôi ăn năn sám hối, khi tôi khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội. Tôi ăn năn sám hối, khi tôi dâng những khổ đau tôi chịu hằng ngày lên Chúa, như một chút đền tội. Tôi ăn năn sám hối, khi tôi chia sẻ khổ đau với những ai đau khổ, và khi tôi biết ơn những người giúp đỡ tôi. Tôi ăn năn sám hối, khi tôi đem sự tự do của tôi buộc chặt vào sợi giây của ơn thánh, để luôn luôn tôi nhận mình phải nhờ ơn thánh trong mọi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành. Tôi ăn năn sám hối, khi tôi phải trải qua những sa mạc mênh mông tăm tối thiêng liêng của cuộc đời, mà vẫn tin vào Chúa, coi sự mình sống với Chúa là điều quan trọng nhất.

“Ăn năn sám hối, đó là điều Chúa tha thiết dạy tôi, đó là điều Đức Mẹ âu yếm đồng hành với tôi. Chính sự ăn năn sám hối như thế đã và đang đem lại cho tôi niềm vui chứa chan và hy vọng tràn trề. Tới đây, tôi nhận ra quà Noel Chúa ban cho tôi là vô cùng quí giá. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ.

Một khi chúng ta sám hối để lãnh nhận món quà tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là Con Một Người, thì đến lượt mình, chúng ta sẽ trở thành món quà yêu thương dành cho anh chị em chúng ta. Trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, nhiều giáo xứ, nhiều hội-đoàn-nhóm hay cá nhân tín hữu đã ra đi, lên đường mang những món quà mang hơi ấm tình thương đến với những anh em nghèo đói, neo đơn, bệnh tật, túng thiếu… Hình ảnh hang đá, máng cỏ, bò lừa, mục đồng, ba vua nhắc chúng ta rằng Chúa đến với nhân loại tội lỗi, nhất là những người nghèo hèn, để cứu họ và ban cho họ sự giàu có thượng giới. 

ĐTC Phan-xi-cô trong bài giảng Thánh lễ đêm Giáng Sinh cử hành tại Vatican vừa qua đã nhắc nhở các Ki-tô hữu như sau: [3]

“Chúng ta đón nhận món quà là Chúa Giêsu, để rồi sau đó trở thành một món quà như Chúa Giêsu. Trở thành một món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Đó là cách tốt nhất để thay đổi thế giới: chúng ta thay đổi, Giáo hội thay đổi, lịch sử thay đổi khi chúng ta bắt đầu, không phải là muốn thay đổi người khác, nhưng là thay đổi chính mình, biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà” ./.

Aug. Trần Cao Khải


Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết