Có thể nói, chưa bao giờ xã hội dành cho các nhân viên y tế sự trân trọng và biết ơn như hiện nay, và ai cũng nhận thấy điều đó xứng đáng. Họ đang trực tiếp gặp nguy hiểm và hy sinh bản thân quá nhiều cho cộng đồng trong những ngày đại dịch. Đối với đất nước Việt Nam, đó là một sự thay đổi thái độ xã hội, đã để lại rất nhiều điều phải ngẫm suy về một giá trị tưởng chừng đã đánh mất.
Cùng nhìn lại một chút, thái độ này trong xã hội Việt Nam trước lúc xảy ra đại dịch ra sao? Đã từng có người vác dao đòi chém một bác sĩ của Bệnh Viện Huyết Học Tp. HCM, vì ông này đòi hàng chục triệu đồng mỗi bệnh nhân, chỉ để hứa sẽ xét nghiệm và chích thuốc giảm đau cho họ. Hàng loạt thân nhân tố cáo một phó giám đốc một bệnh viện quận, người gặp riêng họ để thu tiền mỗ dịch vụ, không có một tờ hoá đơn. Đài truyền hình VTV đưa phóng sự chuyện bệnh viện Xanh-pôn Hà Hội cắt đôi que thử HIV và viêm gan B, gian lận tiền y cụ bất chấp thiệt hại vô vàn người khám bệnh… Nếu có nói về các bác sĩ, không ít người Việt Nam đã từng nghĩ ngay rằng đó là một tầng lớp giàu có, kiếm tiền dễ như trở bàn tay, trên đau khổ của người nghèo, qua việc vẽ ra vài toa thuốc, vài loại xét nghiệm, bán y cụ… mà căn bệnh thật vốn chẳng cần đến thế. Người nhập viện thường kể cho nhau nghe kinh nghiệm phải để ý thái độ của nhân viên y tế. Nếu họ không vui, phải làm cho họ vui bằng quà cáp, phong bì kín đáo, gồng mình chi tiền, mong được đối xử tử tế qua những ngày đau đớn…
Vẫn biết rằng còn đó những bác sĩ phục vụ rất tận tâm, nhưng dường như con số này không vực dậy nỗi thành kiến của dân chúng, vốn đã ít nhiều bị tổn thương khi chẳng may phải vài lần nhập viện hay đi khám.
Covid-19 buộc chúng ta thay đổi suy nghĩ
Nay, cơn đại dịch đang đánh thức mọi người, từ y đức của bác sĩ đến định kiến của dân chúng. Nó gần như buộc mỗi người nhìn nhận lại giá trị của người làm ngành y. Không còn thời gian cho những nhũng nhiễu và toan tính phi đạo đức, dù đó là toan tính của nhân viên y tế hay của phía bệnh nhân. Trước mắt chỉ có sự sống và cái chết, sống cùng nhau hoặc sẽ chết cùng nhau. Bệnh tật và bình an của bệnh nhân gắn liền với đau khổ và an vui của bác sĩ. Những bác sĩ hàng tháng không được về gia đình, họ mòn mỏi mong ngóng bệnh nhân lành bệnh, đau đáu ước mong đại dịch qua đi, vì giờ đây hai niềm hạnh phúc đã gắn liền, hạnh phúc của bệnh nhân và cộng đồng gắn liền với hạnh phúc đoàn tụ và nghỉ ngơi của người bác sĩ. Chỉ còn ước ao đau khổ sớm chấm dứt trên khuôn mặt mỗi người, nhân viên y tế như được trở lại với giá trị “thiên thần” vốn có của ngành nghề cao quý này. Người bệnh và cộng đồng như lập tức biết gạt qua định kiến, đặt lại niềm tin và sự tôn trọng đối với giới bác sĩ.
Năm 1964, Louis Lasagna, Hiệu trưởng của Trường Y khoa tại Đại học Tufts, đã thêm vào lời thề y đức (truyền thống gọi là lời thề Hippocrates) đầy trang trọng mà mỗi sinh viên y khoa phải tuyên đọc trước khi ra trường điều này: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ.” Nếu điều này và nhiều điều khoản khác trong lời thề về y đức có phải làm người bác sĩ trả giá bằng nhiều hy sinh và vất vả, thì lúc này chính là thời điểm mà người thầy thuốc chống dịch nếm cảm rõ nhất cái giá đắt đỏ ấy.
Tâm thức nhân bản đã trở lại
Việc cộng đồng xã hội nhanh chóng thay đổi thái độ từ bất mãn sang trân trọng, yêu mến và biết ơn giới y khoa cho thấy lâu nay dân chúng (ít là một bộ phận lớn) vốn không hề đánh mất tâm thức về tương quan nhân văn với giới y khoa. Những định kiến và bất mãn nảy sinh lâu nay vốn chỉ là kết quả của những tổn thương, mà xu thế thương mại hoá ngành y khoa đã trót gây ra cho dân chúng. Truyền thống đạo đức vẫn còn đó trong thâm sâu mỗi người. Thái độ tôn trọng được lấy lại hiện nay cho thấy người dân luôn chân nhận mối tương quan với giới thầy thuốc như một mối tương quan cao đẹp của tình người, nhìn nhận họ như những chiến sĩ với sứ mệnh cao cả trên sự sống thể lý và tâm lý của những cá nhân khác, chứ không đơn thuần là một ngành nghề kiếm tiền. Khi người bác sĩ không còn biểu hiện của việc nhũng nhiễu, cảm thức nhân bản của cộng đồng dành cho họ được hồi sinh.
Cái nhìn Ki-tô giáo về người thầy thuốc
Dưới góc độ của Ki-tô giáo, hành vi chữa lành của Chúa Giê-su cho chúng ta một cái nhìn sâu xa hơn ý nghĩa của việc chăm sóc y tế. Thông qua bệnh tật và đau khổ thể lý, Chúa Giê-su chọn đi vào tương quan yêu thương và cứu vớt toàn bộ con người bệnh nhân, đi vào tình bạn tâm hồn và giải thoát họ bằng tin vui rằng họ thực sự là công trình của Thiên Chúa, xứng đáng được yêu thương, giữ gìn và cứu chuộc (x. Ga 9, 1-5). Vì vậy, việc Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật của một người luôn gắn liền với sự cứu vớt nhân phẩm và giá trị toàn diện của họ, nên phải đồng thời với việc dẫn vào ơn tha thứ (x. Mc 2, 9; Lc 5, 20; Mt 9, 5) và giúp họ “đừng phạm tội nữa” (Ga 5, 14); nó đi đôi với mối quan tâm lau khô nước mắt người thân: “bà đừng khóc nữa” (Lc 7, 13); nó không thể tách rời với trách nhiệm đưa người bệnh về lại với vòng tay yêu thương của gia đình và cộng đồng (x. Lc 5, 24; Mt 8, 4; Mc 1, 44); và còn hướng dẫn người được chữa lành bước vào đời sống mới trong đức tin (x. Ga 9, 35-29).
Sự tận tuỵ của Chúa Giê-su thể hiện qua việc sẻ chia đau khổ với bệnh nhân tới độ bị xua đuổi và cô đơn thay cho bệnh nhân. Khi người phong hủi đã được chữa lành và về lại với bầu khí nồng ấm của gia đình và cộng đồng, thì Chúa Giê-su lãnh lấy nỗi cô đơn bị xua đuổi vào nơi hoang mạc thay cho anh (x. Mc 1, 45). Sự sẻ chia đau khổ tận căn nhất cuối cùng được Ngài thể hiện trên Thập Giá. Như thế, việc chữa lành của Chúa Giê-su trở thành dấu chỉ của tình yêu cá vị mà Thiên Chúa dành cho con người, công trình tuyệt diệu mà Ngài sẵn sàng cứu chuộc ngay cả khi phải trả bằng giá máu của Người Con Một (x. Ga 9, 1-5).
Người thầy thuốc Công Giáo trở thành người mang sứ mệnh bước theo Chúa Giê-su, thông qua cửa ngõ bệnh tật thể lý của người bệnh, để biểu lộ hình ảnh sống động về sự ân cần chữa lành của Đức Ki-tô đầy thương xót dành cho mỗi một bệnh nhân, là công trình quý báu do chính Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc. Đó là một ơn gọi, một sứ mệnh thiêng liêng, vượt xa hơn hẳn một ngành nghề.
Kết luận
Không phải ngẫu nhiên mà truyền thống các trường y khoa phương tây, từ thời Hippocrates cổ đại cho đến hôm nay, luôn bắt các tân bác sĩ tuyên đọc lời thề y đức trước khi ra trường. Rất nhiều trường y trên thế giới còn trang trọng mời gọi mỗi người hãy thề trước Sách Thánh và Đấng mình tôn thờ bằng đức tin. Với người Ki-tô giáo, điều đó lại càng đẹp và đúng nghĩa hơn.
Virus Corona đã buộc chúng ta dừng lại và chân nhận giá trị đích thực mà người thầy thuốc phải xây dựng, cũng như thái độ tương xứng mà cộng đồng cần có đối với họ. Xã hội, chính sách, pháp luật… cần có sự tôn trọng và nâng đỡ xứng đáng cho những hy sinh cao quý về tâm, về kiến thức và cả đời sống cá nhân của người làm ngành y. Thiếu sót ý thức của một bên nào, dù của người trong ngành hay của chính sách xã hội, cũng đều có thể huỷ hoại giá trị của một thành phần rất quan trọng, mà truyền thống Việt Nam vốn có lý do để gọi họ cách trân trọng là “thầy”.
Cám ơn đại dịch Covid-19 vì một hồi chuông thức tỉnh. Một mai đại dịch qua rồi, liệu chúng ta có vụng về đánh mất giá trị ấy một lần nữa không?
Lm. Trần Thái, SDB – CTV Vatican News
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Sự hy sinh và trái tim yêu thương của Tổng thống Croatia
- Danh tính của 39 người đều là người Việt Nam, Xin cầu nguyện được về bên Chúa
- Nếu không thể rước lễ, đây là cách để thực hiện việc rước lễ thiêng liêng
- Tỷ phú Pháp hiến 113 triệu USD xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà bị cháy
- Đức Giáo Hoàng bị chỉ trích không phải là điều gì mới
- Hai du học sinh Việt Nam chuẩn bị lãnh chức thánh
- Lý do để Tin vào Thiên Chúa