Bước chân vào nghĩa trang, chúng ta cảm thấy một khoảng lặng khác thường, có vẻ “lạnh” hơn bất cứ khoảng lặng nào khác. Đến đó, chúng ta không gặp mặt ai nhưng vẫn có thể “gặp” họ trong niềm tin yêu, đồng thời chúng ta cũng khả dĩ nhận ra chính mình. Ngay giữa khoảng lặng đầy hơi lạnh đó, chúng ta lại cảm thấy ấm áp nghĩa tình. Thật lạ lùng!
Nghĩa trang cũng nhắc nhở chúng ta về chữ Hiếu. Quả thật, cả đời chúng ta cứ đánh vần chữ Hiếu mãi cũng chẳng xong. Chữ Hiếu không chỉ là đạo lý – gọi là Đạo Hiếu, mà còn là một trong Thập Giới do Thiên Chúa truyền dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Nói theo phàm ngôn, đó là Đạo Làm Người – Nhân Đạo. Dù là ai, có tín ngưỡng hay không, thuộc mọi giai cấp, thì cũng phải sống Đạo Làm Người. Bất cứ ai không giữ Đạo Làm Người thì đáng bị nguyền rủa, dù người đó là gì cũng không đáng kính trọng – cả trong lĩnh vực tôn giáo và đời thường.
Thiên Chúa coi trọng chữ Hiếu, Chúa Giêsu đã nêu gương về lĩnh vực này. Thật vậy, Kinh Thánh ân cần khuyên răn: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7:27-28) Chắc chắn chúng ta không bao giờ có thể đền đáp công ơn tiền nhân cho cân xứng. Nhưng vấn đề không phải là vậy, mà là chúng ta có thật lòng báo hiếu hay không – cả khi các ngài còn sống và lúc không còn nữa.
NHÌN GƯƠNG NGƯỜI
Kinh Thánh có gương bà Rút, sống có hiếu với mẹ chồng, đáng để chúng ta noi gương mà nỗ lực sống tốt mỗi ngày một hơn.
Ngày xưa, có những tấm gương sáng ngời mà chúng ta được biết qua tập sách “Nhị Thập Tứ Hiếu.” Chỉ có những người lớn tuổi mới biết vì được hưởng nền giáo dục nhân bản trước sự cố 1975, còn những người trẻ ngày nay không biết. Khi những người học giáo lý hôn nhân tại một giáo xứ tại TGP Saigon được hỏi thì họ nói rằng họ không hề nghe nói tới, thế nên họ không biết “Nhị Thập Tứ Hiếu” là gì. Tiếc thay cho nền giáo dục ngày nay!
Những người trong tập sách “Nhị Thập Tứ Hiếu” cũng là phàm nhân như chúng ta, nhưng họ như những thánh nhân, một lòng hiếu thảo, kính cha yêu mẹ hết lòng. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, họ là ai?
NGU THUẤN (vua Thuấn) – hiếu cảm động trời.
LƯU HẰNG (Hán Văn Đế) – người con nếm thuốc.
TĂNG SÂM – mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót.
MẪN TỔN – nghe lời mẹ với quần áo đơn giản.
TRỌNG DO – vác gạo nuôi cha mẹ.
ĐỔNG VĨNH – bán thân chôn cha.
ĐÀM TỬ – cho cha mẹ bú sữa hươu.
GIANG CÁCH – làm thuê nuôi mẹ.
LỤC TÍCH – giấu quýt cho mẹ.
ĐƯỜNG PHU NHÂN – cho mẹ chồng bú sữa.
NGÔ MÃNH – cho muỗi hút máu.
VƯƠNG TƯỜNG – nằm trên băng chờ cá chép.
13.QUÁCH CỰ – chôn con cho mẹ.
DƯƠNG HƯƠNG – giết hổ cứu cha.
CHÂU THỌ XƯƠNG – bỏ chức quan đi tìm mẹ.
DỮU KIỀM LÂU – nếm phân lo âu.
LÃO LAI TỬ – đùa giỡn làm vui cha mẹ.
THÁI THUẬN – nhặt dâu cho mẹ.
HOÀNG HƯƠNG – quạt gối ấm chăn.
KHƯƠNG THI – suối chảy, cá nhảy.
VƯƠNG BẦU – nghe sấm, khóc mộ.
ĐINH LAN – khắc gỗ thờ cha mẹ.
MẠNH TÔNG – khóc đến khi măng mọc.
HOÀNG ĐÌNH KIÊN – rửa sạch cái bô vệ sinh của mẹ.
Kinh Thánh nhắn nhủ: “Hỡi các con, hãy nghe cha đây, và làm thế nào để các con được cứu độ. Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.” (Hc 3:1-4) Đó cũng chính là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Là mệnh lệnh thì KHÔNG THỂ làm ngơ, mà PHẢI thi hành.
NHÌN LẠI MÌNH
Nhìn người thì dễ, nhìn mình mới khó. Nhìn không là thấy cái vóc dáng hữu hình đẹp hay xấu, mà là thấy vóc dáng vô hình lành hay dữ. Người ta rất sợ khi phải đối diện với chính mình, nhất là phải đối diện với những thứ xấu xa của chính mình.
Về thể chất, con người chẳng đáng gì. Các khoa học gia đã phân chất từ cơ thể của một người nặng 70 kg (154 lbs) và có kết quả này: Lượng mỡ chỉ đủ để làm 7 cục xà bông, lượng nước chỉ có 40 lít, lượng lân tinh chỉ đủ để làm 2.100 que diêm, lượng than chỉ đủ để làm 7 cây đinh 3 phân, lượng vôi chỉ đủ quét trắng một căn phòng nhỏ, lượng lưu huỳnh chỉ đủ để giết chết bọ của một con chó, và lượng ôxy chỉ đủ để bơm một trái banh. Rẻ như bèo!
Về tinh thần, con người cũng chẳng là gì, bởi vì tất cả đều vốn dĩ xấu xa. (Lc 11:13) Thế thì lại càng vô lý khi chúng ta kiêu ngạo, hợm hĩnh, chảnh chọe, khinh người,…
Đứng giữa khoảng lặng nghĩa trang mà chợt thấy lòng xôn xao đa chiều. Cõi lòng lắng sâu hơn: “Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi.” (G 10:9) Tất cả là của Chúa, tùy thuộc Thánh Ý Ngài: “Nếu Người muốn rút sinh khí lại và quy tụ hơi thở về mình, thì mọi sinh vật sẽ tắt thở cùng một lúc và phàm nhân sẽ trở về cát bụi.” (G 34:14-15)
Nhận diện chính mình là điều khó, nhưng cần phải cố gắng, để nhờ đó mà “hạt bụi tôi” có thể nhẹ hơn và dễ bay hơn: “Từ sáng sớm tới chiều tà, thời gian thay đổi; trước mặt Đức Chúa, tất cả đều mau qua.” (Hc 18:26)
Cuối cùng, cuộc đời của mỗi con người chỉ còn lại nắm tro tàn, may ra thì được người ta “xót xa” trong khoảng thời gian đưa tang. Rồi mọi sự khép lại, ai cũng như nhau. Sự thật mãi mãi là sự thật, không phải là bi quan, mà là để tin yêu Thiên Chúa nhiều hơn, đồng thời cũng chứng minh qua việc yêu người, vì “thước” đo lòng yêu mến Thiên Chúa là yêu thương tha nhân. (1 Ga 4:20)
Kinh Thánh nhắc nhở: “Không phải người đã chết, hay mọi kẻ bước vào cõi thinh lặng ngàn thu sẽ ca tụng Đức Chúa; nhưng là chính chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta chúc tụng Chúa từ nay đến muôn đời.” (Tv 113:17-18)
TRẦM THIÊN THU
Lễ Các Đẳng – 2020
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Tạ ơn Chúa: Các nhà khoa học Mỹ đã chế tạo thành công vắc-xin ngăn virυs corona
- Cám ơn Tổng thống Trump: Số trung tâm phá thai thấp nhất trong lịch sử, số còn lại ồ ạt đóng cửa
- 14 Linh Mục Công Giáo Ấn Độ Chết Vì Covid-19 Trong Vòng Bốn Ngày
- Bức tranh Chúa Thánh Thần hiện xuống của Jean Restout II
- Ngày 14/2 Thánh Valentine (c. 269) – Ngày Tình Yêu
- Rước lễ lần đầu: những câu hỏi không thể tránh của trẻ em
- Đaυ lòng: Bức tượng của Thánh Junipero Serra BỊ GlẬT SẬᑭ TẠI CÔNG VIÊN SAN FRANCISCÔ