Tại góc sân nơi của một Giáo Đường thành phố vào buổi sáng, cha Hiền đang hướng dẫn các cậu trai tình nguyện viên treo tấm banner trước cửa nhà thờ. Dưới ánh nắng bình minh, trên nền trắng của tấm bảng, nổi bật một dòng chữ mầu xanh: “Coming Home for Christmas”.
Cha Hiền và một số Giáo Dân chăm chú nhìn tấm bảng, bỗng cha Hiền cất tiếng nói, giọng cha thật trầm ấm: “Trở về ở đây có nghĩa là tha thứ. Trở về trong sự thương yêu, xóa bỏ thù hận, giận hờn, ganh ghét. Trở về với trái tim tràn đầy tin yêu, trong vòng tay trìu mến, yêu thương chờ đón của mọi người, thì đó mới đúng là ý nghĩa của chữ “coming home”.
Dù hơi bất ngờ vì một bài giảng không-chờ-đợi của cha Hiền, nhưng mọi người thật xúc động. Một vài phút sau ông Trần, một thừa tác viên của Nhà Thờ đã làm việc với cha Hiền gần 10 năm, lên tiếng, giọng ông thoáng giễu cợt: “Như cha vừa giảng thì sự trở về mới chí lý, chứ trở về để ăn một bữa ăn, như bữa ăn của “dzợ” con nấu thì thà con ra Mc Donald ăn còn hơn!”
Đứng cách chồng không bao xa, bà Trần dĩ nhiên nghe rõ những lời ông nói. Lấy nhau hơn 20 năm, bà hiểu rõ tình nết chồng hơn ai hết, nên bà cũng bật cười cùng với mọi người, tuy nhiên bà không quên tặng ông cái liếc mắt sắc như dao cau.
Trong khi đó, Hồng Hạnh, một cô gái phụ trách dạy giáo lý, dù trên môi cũng điểm một nụ cười góp, nhưng ánh mắt cô thật chơi vơi, buồn thảm. Đêm hôm đó, Hồng Hạnh đã trằn trọc mất ngủ. Tha thứ? Cô có nên tha thứ cho Hưng, người chồng phản bội của cô không?
Lấy nhau gần 7 năm, sau những năm tháng nghèo khổ nơi quê nhà, trải qua một cuộc vượt biển đầy sóng gió, Hồng Hạnh và chồng rồi cuối cùng cũng đến được miền Đất Hứa, Hoa Kỳ. Cô đi làm ngay để Hưng trở lại đại học, những năm tháng đó cuộc sống của hai vợ chồng nàng vô cùng chật vật, khó khăn. Rồi Hưng cũng ra trường, chàng tìm được công việc đúng với bằng kỹ sư của chàng. Khi bé Thái Tuấn, đứa con trai duy nhất của vợ chồng nàng được 5 tuổi, Hưng bắt đầu bận rộn hơn khi hãng chàng có những dự án với những công ty ngoại quốc.
Một lần Hưng phải làm việc tại Singapore hơn hai tuần, chàng bay về Việt Nam vài lần, và dĩ nhiên với một người thành đạt như chàng, Việt Nam là một thiên đường với nhiều cạm bẫy! Hồng Hạnh nhìn sững tờ giấy với những chuyến bay về Việt Nam của Hưng, chàng đã lừa dối nàng và gian díu với một cô gái trẻ ở Việt Nam. Hồng Hạnh không cảm thấy tức giận, nhưng nàng vô cùng đau đớn.
Sau những cố gắng hàn gắn, níu kéo, cùng những trận cãi vã dai dẳng, Hồng Hạnh cảm nhận ra rằng người buồn khổ nhất trong cuộc chiến tranh này chính là cậu con trai bé bỏng của nàng. Với một thái độ cố làm ra vẻ bình thản, dù trái tim đang tan nát, Hồng Hạnh ký tên trên tờ đơn ly dị do chính tay Hưng soạn thảo.
Rồi cuộc sống của Hồng Hạnh vẫn chẳng có gì thay đổi dù nàng là một single mom còn quá trẻ, nàng sống rất lặng lẽ, cuộc đời của nàng hôm nay chỉ dành cho đứa con trai bé bỏng. Nhìn nàng sống như một Nữ Tu, một người bạn thân đã đùa đùa nói: “Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ…” Đúng vậy, nhưng nàng vẫn chưa quên được những kỷ niệm của nàng và Hưng dù suốt hai năm ly dị, sự liên lạc của hai người chỉ là những tờ check phụ cấp nuôi con của Hưng.
Bất ngờ Hưng quay trở lại, chàng làm cho công ty cũ và mướn apt gần nhà nàng. Hưng sống một mình, chẳng cần một lời giải thích, Hồng Hạnh cũng dư hiểu Hưng đã gặp nhiều biến cố thê thảm sau khi chia tay với nàng. Cho đáng đời, Hồng Hạnh thường nghĩ như thế, và dĩ nhiên, sự trở lại của Hưng cũng chẳng bao giờ.
“… Anh trở về dang dở đời em…”, nhưng cuộc sống an bình của nàng cũng bị dao động, xáo trộn. Tiếng chuông điện thoại réo vang, chẳng cần nhìn Hồng Hạnh cũng biết đó là Hưng.
Một điều an ủi cho nàng là cậu con trai ngày một vui vẻ hơn. Hưng chăm sóc và lo lắng cho con thật chu đáo, có lẽ chàng muốn chuộc lại lỗi lầm ngày xưa. Nghe giọng nói và tiếng cười hồn nhiên của con trai khi nói chuyện với bố khiến lòng Hạnh chợt xốn xang. Bao giờ cũng vậy, trước khi gác phone, Hưng hay nhờ con trai hỏi nàng: “Mẹ có cần gì không?”, và câu trả lời của nàng, thường rất đắng chát và chua lè: “Không, Mẹ chẳng cần gì hết!”
Nhưng có lẽ lần này sẽ khác, bước tới cạnh con, Hồng Hạnh dịu dàng nói: “Con đưa phone cho mẹ, mẹ cần nói chuyện với bố!” Một thoáng ngạc nhiên ánh lên trong đôi mắt con trai, đưa phone cho nàng nhưng cậu bé lo âu, khẩn khoản nói: “Mẹ ơi, it’s Christmas, please!”
Hiểu được sự lo lắng của con, Hồng Hạnh khẽ mỉm cười, nàng nhẹ nhàng nói trong phone: “Tối mai hai mẹ con em đi lễ đêm, anh có muốn ghé qua và đi chung với em và con không?” Bên đầu giây bên kia chỉ là sự im lặng, Hồng Hạnh nghe rõ tiếng thở của Hưng, gần mấy phút sau, tiếng Hưng vang lên, giọng chàng nhuốm đầy xúc động: “Anh sẽ tới ngay chiều mai, cám ơn em, cám ơn em!”
Hình như Hưng muốn nói nhiều hơn, nhưng Hồng Hạnh không muốn nghe thêm, nàng đưa phone lại cho con trai. Nàng không muốn Hưng biết chính nàng cũng đang rưng rưng xúc động bồi hồi. Lần đầu tiên trong suốt hai năm ly dị, Hồng Hạnh mới cảm thấy lòng nàng thật thanh thản, bình an. Đúng như câu nói có lần nàng nghe được “Tha thứ không phải là món quà dành cho người mình oán hận, mà là món quà dành cho chính bản thân mình.”
Bên lò sưởi ấm cúng của Hồng Hạnh, tiếng hát Elvis Presley cất lên, giọng chàng thật nồng nàn ấm áp trong đêm đông buốt giá… “I’ll be home for Christmas, you can plan on me…”
Và khi tiếng chuông Giáo Đường rộn rã ngân vang như để chào mừng sự Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế cho Nhân loại, cha Hiền đã kết thúc bài giảng bằng một lời cầu chúc đầy tin yêu: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
PHA LÊ
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Đại hội giới trẻ giáo hạt Phủ Lý 2018 – Tổng Giáo Phận Hà Nội
- Cậu bé sáu tuổi cầu nguyện trong đêm xin cho đại dịch mau qua
- Vĩnh biệt Thầy, người Thầy hết lòng vì người nghèo, Thầy Phêrô Nguyễn Đình Phục Ofm
- Viết sau hội thảo: “Bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam”
- THÁNH LỄ CƯỚI CỦA NỮ CA SĨ BẢO THY
- Hơn 500 ngàn tín hữu tham dự Thánh Lễ với ĐTC tại Dublin
- Người công giáo ở tuyến đầu trong việc chăm sóc вệин nhân và chống dịch вệин Covid-19