Ông cố Giuse Trần Minh Quang: Đệ tử đầu tiên của DCCT Hà Nội thời Cộng sản

Ông Cố Giuse Trần Minh Quang và một số các anh chị ca viên trong Ca đoàn Thái Hà chụp cùng anh trai của Ông Cố là  cha Giuse Trần Quang Đăng, DCCT, từ Sài Gòn ra thăm Hà Nội. Hình chụp trước tiền đường Nhà thờ Thái Hà vào khoảng những năm 1983-1985 . Ông Cố Quang đứng thứ hai từ bên phải, ngực áo có đeo dải tang đen.

Tôi đã tính hết Mùa Chay mới vào FB. Thế nhưng hôm nay nghe tin Ông Cố Giuse Quang được Chúa gọi về, tôi lại vào viết mấy lời tưởng niệm, vì nghĩa tử là nghĩa tận.

Chả gì thì tôi và Ông Cố cũng biết nhau từ hơn 33 năm nay, đã từng là người tu trước tôi ở Thái Hà, đã từng cổ vũ tôi học tiếng Pháp và là một tấm gương cho tôi trong việc phục vụ.

***

Năm 1987 Cha Giuse Vũ Ngọc Bích đón tôi vào Tu viện Thái Hà và tôi biết Ông Cố từ đấy. Vì Ông Cố thường đến Thái Hà tập hát tối thứ tư và tối thứ sáu.

Tôi thường là người mở cổng cho Ông Cố dắt xe vào. Ông dựng xe ở hành lang trước phòng khách, đến cái bể nước ở góc vườn cạnh nhà bếp rửa ráy qua loa rồi vội vàng vào tập hát.

Ông Cố người cao, gầy và đen nên một số người gọi Ông bằng cái biệt hiệu thân mật là “Quang Cháy”. Ông ăn mặc giản dị và chuẩn mực như một nhà tu. Lúc nào cũng áo sơ mi, quần tây áo bỏ trong quần và đi dép sandales.

Ông có cái giọng Hà Nội rất trong trẻo, ngọt ngào và lịch sự. Tôi chưa thấy ông nào có cách ăn nói ngọt ngào, chu đáo và lịch sự bằng Ông Cố. Khi tập hát thì giọng sang sảng. Một giọng Tenore rất cao, rất trong, rất vang, rất sang.

Ông cầm cái búa gỗ nhỏ, vừa gõ nhịp vừa hướng dẫn xướng âm. Ông phân tích nhạc lý, hướng dẫn các ca viên xướng âm giai điệu trước rồi mới hát lời ca sau. Dường như cả tâm hồn và sức lực ông đổ dồn vào từng nốt nhạc, từng lời ca.

Tôi xem nhiều người hát và tập hát, nhưng chưa thấy ai tập hát say sưa bằng và có khí thế bằng Ông Cố. Người ta bảo hậu sinh khả úy, Cha Alfonso Trần Ngọc Hướng, con út của Ông Cố về sau có giọng hát cũng hay và tập hát cũng giỏi, nhưng tôi không thấy có cái hồn như Ông Cố.

Cha Già Bích kể cho tôi biết ở Hà Nội, khi Cha Chính Vinh bị bắt đi tù và khi Ông Nhạc sĩ Tâm Bảo gia nhập UBLLCG của Cộng sản thì từ cuối thập niên 1950 đến lúc bấy giờ (1987) Ông An và Ông Quang là linh hồn của các ca đoàn (1). Mọi việc dạy nhạc lý, xướng âm và dạy điều khiển hợp ca chủ yếu đều trông cả vào hai ông.

Nhiều ca viên của Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội những người cỡ 70-80 tuổi trở lên cũng như các ca viên ở nhà thờ Thái Hà độ tuổi từ 50 đến trên dưới 80 đều đã từng một thời làm thành viên trong ca đoàn của Ông Cố. Lớp ca viên cuối cùng Ông Cố hướng dẫn tôi còn nhớ là nhóm Cha Hùng-Trung-Liên-Kim Anh…

Ông Cố là một trong số mấy người được Cha Già Bích tin tưởng nhất và là một trong số những giáo dân thuộc loại “vua biết mặt chúa biết tên” ở Hà Nội thời bấy giờ- nghĩa là những giáo dân dấn thân nhất, được các đấng bậc và các giáo dân khác biết đến nhiều nhất, nhưng cũng được công an “chiếu cố” thường xuyên nhất.

Tôi thấy khi có chuyện cần, thì không phải Ông Trưởng Ban Hành giáo, Ông Đ. là người được Cha Già nhờ vả mà trái lại ngài thường nói với tôi: “Chú nhắn Thầy Quang hôm nay tập hát xong ở lại Bố gặp!” “Chú nhắn Thầy Quang vào bố nhờ tý việc…!”

Nói chung những chuyện quan trọng nhất, khó khăn nhất, nhất là chuyện liên lạc với các cha và các đức cha ở các nơi xa gần, Cha Già thường nhờ cậy Ông Cố. Vì nếu không phải là người được nơi đi nơi đến biết rõ và tin tưởng thì sẽ hỏng việc.

Cha Già Bích kể tôi nghe Ông Cố từng có thời gian dài theo đuổi ơn gọi tu trì. Ngài bảo thấy Ông Cố nhiệt thành và đạo đức lại có chí hướng đi tu nên ngài đã gửi sang Chủng viện Bắc Ninh, vì lúc ấy Chủng viện Hà Nội đã đóng cửa. Được mấy năm thì Chủng viện Bắc Ninh cũng bị chính quyền giải tán, thế là Ông Cố về lại Hà Nội và tiếp tục phục vụ ở Thái Hà (2).

Lúc đó tòa tu viện rộng lớn chỉ có mình Cha Già Bích. Ngài muốn Ông Cố vào ở luôn trong Tu viện để tiện việc phục vụ nhưng nhà nước không cho hộ khẩu. Thế là hằng ngày sáng Ông Cố vào Tu viện, tối về lại gia đình ở gần Nhà thờ Chính Tòa.

Ông Cố làm tất cả các việc gì có thể từ dọn vệ sinh, bảo vệ nhà cửa, đón tiếp khách, dạy hát, dạy kinh bổn… Cha Già cho Ông mặc áo chùng thâm và áo Surplis khi giúp việc phụng vụ nên giáo dân vẫn gọi Ông Cố bằng “Thầy”.

Sự hiện diện của Ông Cố ở Thái Hà khiến nhà cầm quyền ngứa mắt. Họ áp lực, gây khó dễ đủ kiểu cho Cha Già và cho chính Ông Cố rất nhiều. Tôi không hiểu vì thấy Ông Cố hết đường tu hay vì sợ Ông Cố bị bắt, hay vì sợ bản thân bị áp lực mà Cha Già đã khuyên Ông Cố đi lập gia đình?

Tuy nhiên tôi nghĩ có hai điều liên quan. Một là nếu Ông Cố không đi lập gia đình và trong khi vẫn tiếp tục phục vụ ở Thái Hà thì có lẽ cũng đã bị bắt đi tù như các bạn tu cùng thời của Ông Cố là quý cha: Kinh, Quang, Can, Tảo, Hạnh, Khải, Thiên…

Hai là sau khi loại được cánh tay phải của Cha Già là Ông Cố ra khỏi tu viện Thái Hà thì chỉ một thời gian ngắn sau đó nhà cầm quyền CS đã ngang ngược chiếm một nửa tòa nhà tu viện và hơn hai năm sau chiếm cả tòa tu viện, đẩy Cha Già Bích sang ngôi nhà bé nhỏ tồi tàn ở phía Nam nhà thờ giữa khu ruộng lầy lội mà hầu hết giáo dân Thái Hà còn thấy cho đến năm 2005.

***

Theo hiểu biết của tôi thì Ông Cố thuộc số những giáo dân tinh hoa ít ỏi ở Hà Nội đã luôn trung tín với Chúa.

Trong những thập niên khó Giáo Hội Miền Bắc bị bách hại sau năm 1954, Ông Cố đã không bỏ Chúa để theo Cộng sản như nhiều người khác, trái lại đã can đảm tuyên xưng niềm tin và Chúa và sát cánh cùng các cha bảo vệ Giáo Hội.

Ông Cố không “phấn đấu” để được vào biên chế trong các cơ quan và xí nghiệp của nhà nước để có một cuộc sống tốt hơn, trái lại đã chủ động chọn làm “nghề tự do”, nghĩa là không có nghề nghiệp gì cố định cả, không phụ thuộc vào một “cơ quan” hay “đơn vị chủ quản” nào cả, để có thể tự do hơn trong việc diễn tả niềm tin của mình và rộng đường phục vụ Giáo Hội.

Ai ở Miền Bắc thời bao cấp thì hiểu ở thành phố mà không hộ khẩu, không biên chế, không sổ gạo thì khốn khổ biết dường nào! Thế mà Ông Cố chủ động chấp nhận tất cả, vì đức tin, vì Chúa, vì Giáo Hội, vì lý tưởng phục vụ!

Lối sống khác người của Ông Cố khiến nhà cầm quyền không vừa lòng. Họ đã tập trung đưa Ông Cố đi “học tập” trong chương trình “Cải tạo Thanh niên” để “cải tạo tư tưởng” của Ông Cố, tuy nhiên, cái đó chỉ làm cho niềm tin của Ông Cố thêm mạnh mẽ.

***

Ông Cố cũng là một trong những người yêu mến và gắn bó với DCCT Thái Hà nhất trong những năm tháng khó khăn nhất của Tu viện và Giáo xứ Thái Hà.

Hồi đó công an thường sách nhiễu và trừng phạt những ai hay đến nhà thờ và nhất là hay gặp các cha (3). Công an cũng luôn tìm cách phá các hội đoàn Công giáo, nhất là ca đoàn như bằng cách đe đọa, cấm cản, bắt bớ các ca trưởng.

Trong hoàn cảnh như vậy, ít người dám cộng tác với các cha và nếu có thì cũng rất hiếm và phải là người rất can đảm. Ông Cố thuộc số những người này. Chưa bao giờ ông chùn bước trước sự sách nhiễu, bao vây và trừng phạt của nhà cầm quyền.

Dù trách nhiệm gia đình nặng nề, dù cuộc sống bộn bề khó khăn, dù công an không ngừng bách hại, nhưng bất cứ chuyện gì Cha Già Bích cần sự giúp đỡ thì Ông Cố luôn sẵn sàng.

Dù không phải là tu sĩ DCCT nhưng theo tôi Ông Cố đã yêu mến và phục vụ Nhà Dòng có khi còn nhiều hơn cả một tu sĩ thực thụ của Dòng.

Thánh Phaolo nói rằng “Dù sự chết hay sự sống, dù trời cao hay vực thẳm, dù hiện tại hay tương lai, dù gian truân, đói khát, trần truồng, nguy hiểm… không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô.” Tôi nghĩ những lời này diễn tả đúng nhất về cuộc đời Ông Cố.

Tôi tin là Chúa đã thưởng công và an ủi Ông Cố ngay ở đời này trong lúc tuổi già: người con trai duy nhất còn sống mà Ông Cố hay đưa đến Thái Hà đi Lễ thuở nào, đã trở thành linh mục rất nhiệt thành của DCCT từ 10 năm nay. Đó là là cha Alfonso Trần Ngọc Hướng, hiện đang phục vụ ở DCCT Sài Gòn.

Deo Gratias

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

CHÚ THÍCH

(1): Tôi thấy cũng là sự trùng hợp hay: Ông An là anh trai cha Tiến Lộc DCCT và Ông Quang là em cha Trần Quang Đăng DCCT. Năm 1954 cả hai ông đều ở lại Hà Nội với Cộng Sản và cả hai cha đều di cư vào Nam theo Cộng Hòa.

(2) Cha Già kể hồi đấy ngài gửi hai người sang tu bên Bắc Ninh. Thầy Quang ở Chủng viện còn Cô Huệ ở Nhà Mụ Đa Minh. Thầy Quang phải về vì Chủng viện bị giải tán như đã nói, còn Cô Huệ cũng ra khỏi Nhà Mụ, vì ở bên đấy phải thức khuya, dậy sớm tát nước làm đồng, vất vả quá Cô chịu đựng không được nên Cô bỏ Nhà Mụ và về tu tại gia rồi sau đó được Cha Già gọi vào cùng với Bà Tư phục vụ ở Thái Hà.

(3)Ngay tại Nhà thờ Thái Hà mà cuối thập niên 80 lễ Chúa nhật còn chưa đến 200 người tham dự và bên trong nhà thờ dọc tường phía Nam còn làm chỗ để xe cho người đi lễ. Có giáo dân đi lễ mà còn không dám gặp riêng Cha Già, muốn tặng cái gì còn phải canh giờ giấc thuận tiện và để ở một chỗ thuận tiện trong nhà thờ.

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết