Chúa Kitô phục sinh là trọng tâm của sứ điệp Kitô giáo, là niềm tin và hy vọng của người tín hữu, được nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi nhân loại, được mai táng trong mồ và ngày thứ ba đã sống lại, đã hiện ra với các tông đồ và môn đệ.
Đây không phải là một truyền thuyết hoặc chuyện cổ tích hoang đường, là kết quả suy tư khôn ngoan, hay một hệ thống triết lý của con người, nhưng là một sự kiện không thể chối cãi, là chứng tá của lòng tin khởi từ một biến cố hiện sinh của các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại và hiện ra với Phêrô và Nhóm Mười Hai (1Cr 15,1-5). Sự kiện Đức Giêsu đã chết, đã bị mai táng và được chôn trong mồ dưới sự chứng kiến của nhiều người là một sự thật hiển nhiên, nhưng việc Người đã sống lại, đã hiện ra, nghĩa là Đức Giêsu đang sống, lại là một “sự kiện – mầu nhiệm” được đón nhận trong lòng tin, không đơn thuần dựa vào các giác quan, dù chính Đức Giêsu phục sinh đã ăn uống trước mặt họ, đã cho họ xem các dấu đinh và cho tông đồ Tôma chạm vào các dấu đinh ấy nữa. Các sách Tin mừng đều nhấn mạnh điểm này.
Khi loan báo biến cố phục sinh là nhân tố chính của đức tin, các tông đồ đã không chủ ý loại bỏ sự kiện lịch sử: Đức Giêsu đã bị đóng đinh, bị giết chết trên thập giá – đúng như lời Kinh thánh.
Nhưng đó không phải là kết thúc của chuỗi sự kiện ấy, vì cũng theo lời Kinh thánh, Người phải phục sinh từ trong cõi chết. Các sách Tin mừng đều nhấn mạnh hơn về điểm này; điểm khai sinh đức tin, mà các cuộc hiện ra của Đức Giêsu sau đêm phục sinh với các môn đồ, và được chính Đức Giêsu hiện ra cắt nghĩa giảng giải cho hai môn đệ Emmaus minh chứng cho lời Kinh thánh là thật (x.Lc 24,13-35)
Kitô giáo là tôn giáo không khởi nguồn từ việc con người tìm kiếm Thiên Chúa như tìm kiếm lẽ sống cho mình, mà chính Thiên Chúa tìm kiếm con người và tỏ bày lẽ sống thật cho con người. Vì thế, đối tượng của đức tin là chính Thiên Chúa đã thể hiện mình nơi Đức Giêsu, là ơn ban cần được lãnh nhận, là mầu nhiệm được hé mở ngang qua những sự kiện lịch sử, là sự chinh phục của Đấng phục sinh – cho thấy Người đang sống, cho người ta gặp gỡ, được chạm vào Người bằng các giác quan.
Nhưng Kitô giáo còn là tôn giáo “ôm trong lòng” những tội nhân, những người không sốt mến trong thực hành lối sống phù hợp với đức tin và có cả những người vô tín nữa, nên vẫn rất cần ánh sáng ngày Phục sinh chiếu rọi. Bằng không, thứ “Kitô giáo” ấy sẽ chỉ dẫn người ta đến dưới chân thập giá, sẽ đưa người ta tới nấm mồ của sự buồn sầu, thất bại và chôn chặt niềm hy vọng phục sinh.
Cần lắm một “bàn tay”, một sức mạnh, một quyền năng của Lời lật tảng đá to lấp cửa mồ trong tâm hồn, trong trí khôn, trong “đức tin” của tín hữu, để hiểu Đức Giêsu đã phục sinh như thế nào – Thiên Chúa đã phục sinh Người từ trong cõi chết làm sao, rồi mới biết đâu là ý nghĩa và giá trị của sự phục sinh đem lại niềm vui, hoan lạc và hạnh phúc.
Kitô hữu không khởi sự từ cái chết để tiến đến cái chết, nhưng vì tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Giêsu phục sinh từ trong cõi chết – vẫn hằng ở cùng Hội Thánh cho đến tận thế, sẽ giúp họ khởi đi từ sự kiện để đạt đến mầu nhiệm: mầu nhiệm phục sinh. Vì thế, người tin sẵn sàng sống trong mọi hoàn cảnh và tình trạng của mình trong đức tin là được “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong cái chết, với hy vọng sẽ có ngày được phục sinh vinh hiển với Người” (Pl 3,8-10)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Cha Giuse Trần Đình Long những điều bạn chưa biết?
- 20 lời khuyên ngắn gọn cho một năm mới tốt lành!
- Thủ môn Đặng Văn Lâm đã làm Dấu Thánh Giá Cầu Nguyện trước khi đá bóng
- How to Photograph Rivers and Streams
- Các nhân đức đối thần là gì?
- NGÔI VỊ NÀO LÀ ĐẤNG TẠO HÓA
- Nhiều Trí Thức Thỉnh Nguyện Đặt Tên Đường Alexandre De Rhodes Và Francisco De Pina