Một hiện tượng cần ghi nhận: Tại Việt Nam, hình thức rước Lễ bằng tay như đã phổ biến cách “đại trà”, kể cả với các em thiếu nhi. Trong khi đó Giáo Hội cho phép rước Lễ theo hình thức này với một vài điều kiện và xem đây là một phép “ngoại thường”. Huấn Thị Redemptionis Sacramentum số 92 ghi: “Mọi tín hữu, theo họ chọn, luôn luôn có quyền rước lễ bằng miệng. Nếu người rước lễ muốn nhận Thánh Thể bằng tay, trong những miền mà Hội Đồng Giám Mục cho phép, với sự xác nhận của Tông Toà, có thể ban Mình Thánh cho họ. Nhưng, trong trường hợp này, phải chăm chú theo dõi Mình Thánh Chúa được người rước lễ rước bánh thánh ngay trước mặt thừa tác viên, tránh không để một ai cầm Mình Thánh trong tay mà đi ra khỏi đó. Nếu có nguy cơ xúc phạm, không được cho các tín hữu rước lễ bằng tay”. Theo văn mạch của Huấn Thị thì rước Lễ bằng miệng là một quyền lợi, còn rước Lễ bằng tay là một ân xin với một vài điều kiện đi kèm. Chuyên gia về Phụng Vụ của Hội Thánh khẳng định đây là đặc ân ngoại thường.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sau khi xin Tòa Thánh cho phép tín hữu được rước Lễ bằng tay đã ra thông báo rằng: Tín hữu được quyền chọn lựa hình thức rước lễ bằng miệng theo truyền thống hoặc rước Lễ bằng tay, nhưng vẫn khuyến khích rước Lễ theo hình thức cũ.
Để áp dụng thêm một hình thức rước Lễ mới là bằng tay thì vào năm 1994 Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ thị cho các chủng viện, các tu viện áp dụng thử trước một thời gian. Và đến đầu năm 1996 mới phổ biến cho tín hữu. Khi phổ biến thì yêu cầu các linh mục tập cho tín hữu cách thức rước Lễ bằng tay. Các linh mục cứ thế tập cho đoàn tín hữu từ già đến trẻ đều rước Lễ bằng tay một thời gian. Và thế là hình thức rước Lễ mới được xem như là “thời thượng”, là “tiến bộ”, là “trí thức”, là “trưởng thành” vì có các chủng sinh, các nam nữ tu sĩ đi tiên phong. Và tại Việt Nam nếu có giáo xứ nào căn cứ lời dạy của Giáo Hội, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cổ võ việc rước Lễ theo hình thức cũ thì bị xem như là cổ lỗ sĩ, là bảo thủ, là đi ngược thời đại…
Sau một thời gian, cũng có nhiều vị phản ánh về sự lạm dụng trong hình thức rước Lễ mới, và cách riêng có thể làm suy giảm lòng tôn kính nơi các em thiếu nhi, và một số người, thì tôi đã từng nghe nhiều linh mục Việt Nam cổ võ cho cách thế “chịu Lễ” bằng tay với những lý luận như sau:
1. Không biết tay hay lưỡi, bộ phận nào “sạch” hơn. Theo các ngài thì “tay” có lẽ sạch hơn “lưỡi” nhiều.
2. Hình thức rước Lễ bằng tay thì “vệ sinh” hơn hình thức rước Lễ bằng miệng.
3. Rước Lễ bằng tay mà trang nghiêm cung kính thì vẫn hơn rước Lễ bằng miệng mà thiếu ý thức.
4. Chúa Kitô truyền là hãy cầm lấy mà ăn; Hãy cầm lấy mà uống… thì chúng ta làm theo lời Chúa truyền mà thôi.
5. Giáo Hội đã cho phép thì chúng ta cứ tự nhiên thi hành. Đừng có bảo hoàng hơn cả vua, đừng có khó hơn cả Tòa Thánh Rôma.
Xin có một vài nhận định, kiểu bắt giò lái và tuần tự theo các luận lý ở trên.
1. Không biết tay hay lưỡi, bộ phận nào “sạch” hơn. Theo các ngài thì tay có lẽ sạch hơn lưỡi nhiều.
* Người ta dễ đánh lừa kẻ khác về đối tượng so sánh. Thoặt nghĩ thì ta dễ cho rằng cái lưỡi chưa chắc đã sạch bằng bàn tay, vì theo khoa học, trong vòm miệng chúng ta chứa rất nhiều vi khuẩn. Hơn nữa, xét về khía cạnh luân lý thì người ta cũng dễ dè chừng cái bộ phận “lắm đường lắt léo” này. Tuy nhiên nếu nghĩ lại một chút thì chúng ta nhận ra ngay rằng những người chọn rước lễ bằng tay cũng không thể bỏ qua cái lưỡi của họ. Không lẽ Mình Thánh Chúa từ bàn tay họ đi thẳng vào bụng họ? Chắc chắn từ bàn tay phải qua cái lưỡi. Như thế, xét về quảng đường đi của Thánh Thể, thì cách thế rước Lễ bằng tay lại qua nhiều trung gian hơn cách thế rước Lễ bằng miệng.
2. Hình thức rước Lễ bằng tay thì “vệ sinh” hơn hình thức rước Lễ bằng miệng.
* Có lẽ đây là một trong những lý do chính yếu mà Hội Đồng Giám Mục một số quốc gia, trong đó có Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin Tòa Thánh cho tín hữu được rước Lễ theo cách mới (bằng tay).
Với tâm thức hiện nay, người ta vốn dễ dị ứng với những hình thức xem ra “thiếu vệ sinh”, mà việc rước Lễ bằng miệng là một điển hình. Vấn đề đặt ra là giữ vệ sinh cho mình hay cho tha nhân.
Theo tôi, nếu nhắm đến việc giữ vệ sinh cho mình, thì cách thức rước Lễ bằng tay không đạt mục đích mà trái lại còn thua cách thức rước Lễ bằng miệng. Lý do là vì theo kỷ luật Phụng vụ, đoàn tín hữu tham dự Thánh Lễ không được tự mình cầm lấy Thánh Thể để rước mà phải nhận từ tay thừa tác viên. Như thế nếu có vi khuẩn từ tay thừa tác viên thì người rước Lễ bằng tay xem ra “mất vệ sinh” hơn người rước Lễ bằng miệng, vì Thánh Thể phải từ tay thừa tác viên qua tay họ rồi mới vào miệng của họ.
Nếu nhằm giữ vệ sinh cho tha nhân, thì cách thức rước Lễ bằng tay xem ra có lý do chính đáng. Họ không muốn có sự lây lan vi khuẩn từ miệng của họ đến tha nhân, nếu giả như tay của thừa tác viên vô tình chạm vào lưỡi của họ. Theo thiển ý của tôi, nếu căn cứ vào lý do này thì cũng chính đáng, nhưng trong thực tế lại có đó hiện tượng phản cảm. Bởi chưng ở các nước tiên phong xin được rước Lễ bằng tay như Mỹ, Canada, Pháp thì người ta sợ lây nhiểm vi khuẩn cho tha nhân mà tránh không rước Lễ bằng miệng, sợ có sự cố tay thừa tác viên chạm vào lưỡi của mình, thế mà ngay sau đó, khi tan Lễ người ta không ngại ngần ôm hôn chùn chụt (une bise, deux ou trois bises). Xin đừng quên dù chỉ áp má mà thôi thì nhiều virus như virus cúm cũng rất dễ dàng lây nhiễm. Ngoài ra, khi chúng ta rước Thánh Thể Chúa, thì một điều kiện ắt phải có là niềm tin. Nếu quá chú trọng đến khía cạnh vệ sinh thì những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm ắt là cô đơn lắm lắm.
3. Quan trọng là tấm lòng. Rước Lễ bằng tay mà trang nghiêm cung kính thì vẫn hơn rước Lễ bằng miệng mà thiếu ý thức.
* Lối lập luận này thoặt xem ra rất hữu lý, nhưng xét kỹ thì nó hàm hồ kiểu đánh lận con đen. Người ta đánh lận con đen nơi đối tượng so sánh. Nghe lý luận thì chúng ta dễ đồng ý với chuyện người này rước Lễ bằng tay mà nghiêm trang kính cẩn thì vẫn hơn người kia rước Lễ bằng miệng mà thiếu ý thức hay sự trang nghiêm. So sánh người này với người kia thì không chuẩn, mà phải so sánh hai cách thế rước Lễ của cùng một người mới chuẩn. Nếu một người nào đó rước Lễ bằng tay mà nghiêm trang thì người ấy khi rước Lễ bằng miệng cũng sẽ nghiêm trang cung kính không kém và nhiều khi còn hơn nữa. Trái lại một người đã rước Lễ bằng miệng mà thiếu cung kính nghiêm trang, thì chắc chắn người ấy khi rước Lễ bằng tay sẽ thiếu nghiêm trang cung kính hơn nhiều.
4. Chúa Kitô truyền là hãy cầm lấy mà ăn; Hãy cầm lấy mà uống… thì chúng ta làm theo lời Chúa truyền mà thôi.
* Có ý kiến cho rằng lối dịch Việt ngữ chưa chuẩn về lời truyền phép như sau: “Accipite et manducate ex hoc omnes, hoc est enim corpus meum”. Accipite (ở thể imperatif của động từ accipere) phải dịch là “các con hãy nhận lấy”. Bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ của Ủy Ban Phụng Vụ Các Giờ Kinh năm 1992 quả thật có dịch là “Hãy cầm lấy…”. Nhưng bản dịch mới của UB Phụng Tự HĐGMVN năm 2005 đã dịch là: “Hãy nhận lấy…”
Khi Giáo Hội truyền dạy trong Thánh Lễ, các tín hữu tham dự không được tự tiện cầm lấy Mình Thánh (Huấn Thị Redemptionis Sacramentum số 94), chắc hẳn muốn nhấn mạnh đến chiều kích lãnh nhận. Quả thật, không một ai tự mình có khả năng “chiếm hữu” Thiên Chúa. Chúa Kitô yêu thương tự trao hiến Thân Mình Người và phần chúng ta chỉ đón nhận.
Ngoài ra có những chi tiết mà chúng ta không thể căn cứ Kinh Thánh theo sát mặt chữ để thực hành như một vài vị đã từng “Bẻ bánh” ngay khi đọc lời truyền phép.
5. Giáo Hội đã cho phép thì chúng ta cứ tự nhiên thi hành. Đừng có bảo hoàng hơn cả vua, đừng có khó hơn cả Tòa Thánh Rôma.
* Như đã nói ở trên, dù rằng Giáo Hội đã cho phép, nhưng phép ấy là phép thuộc hàng ngoại thường, có thể xem như là phép chuẩn, vì thế không thể thực hành cách tràn lan. Trong huấn thị Redemptionis Sacramentum số 92, Giáo Hội đã minh nhiên nói rõ việc rước Lễ bằng miệng là một quyền lợi của tín hữu và thừa tác viên không được từ chối, trái lại hình thức rước Lễ bằng tay có thể bị từ chối nếu thấy có nguy cơ xúc phạm. Xin lưu ý hai từ “nguy cơ”, vốn mang ý nghĩa phòng xa, ngăn ngừa.
Không thể minh nhiên đặt hai cách thế rước Lễ ngang hàng với nhau, kiểu cách nào cũng được, miễn là có ý thức và sự trang nghiêm cung kính. Chắc chắn có một vài khác biệt theo truyền thống phong tục tập quán của từng miền trong cung cách ứng xử, trong kiểu cách biểu lộ các tâm tình. Tuy nhiên, có những kiểu cách ứng xử hay tư thế biểu lộ mà người ta dù khác văn hóa cũng có thể đồng thuận về mức độ hơn kém về tâm tình. Chẳng hạn tư thế đứng thì ai cũng đồng ý là biểu lộ sự tôn kính hơn là tư thế ngồi. Chính vì thế khi nghe công bố Tin Mừng thì Giáo Hội dạy tín hữu là phải đứng. Lý do là vì để tỏ lòng tôn kính chính những Lời của Chúa Kitô hay là những Lời trực tiếp nói về Chúa Kitô. Và chúng ta không thể biện luận rằng đứng hay ngồi cũng được, miễn là có lòng tôn kính. Dĩ nhiên có những trường hợp ngoại thường có thể ngồi nghe Tin Mừng, chẳng hạn như những người bệnh tật, những người già yếu…
Đã nói là trường hợp ngoại thường thì không thể phổ biến tràn lan như nhiều nước đã xin phép và được phép cho tín hữu tham dự Thánh Lễ, được rước Lễ bằng tay như hiện nay, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Một vài thiển ý kính gửi các Đấng bậc có trách nhiệm trong Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội Việt Nam:
– Cần giải thích lại cho đúng vị trí của đặc ân được rước Lễ bằng tay. Hình thức rước Lễ này không phải là một quyền lợi mà là một đặc ân ngoại thường đi kèm một vài điều kiện, chẳng hạn như phải được Hội Đồng Giám Mục trực tiếp xin, người rước Lễ phải rước Chúa tại chỗ…
– Xin phổ biến lại văn thư trước đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về vấn đề cho phép được rước Lễ bằng tay, vì có thể rất nhiều linh mục hiện nay không có.
– Hiện tượng rước Lễ bằng tay nay như đã phổ biến tràn lan có một nguyên do chính là vì các giáo xứ theo lệnh trên đã tập cho tất cả đoàn tín hữu thực hiện một thời gian. Chuyện gì mà cần phải tập một thời gian dài thì dễ được xem như là tiến bộ, là tốt đẹp hơn cái cũ. Vậy xin Hội Đồng Giám Mục ra lệnh cho các linh mục các giáo xứ cho toàn thể tín hữu tập lại hình thức rước Lễ bằng miệng trong vòng một thời gian dài tương tự, rồi sau đó trình bày, giải thích cách đúng đắn Huấn Thị Redemptionis Sacramentum và để cho tín hữu tự ý chọn lựa cách thức rước Lễ.
– Tín hữu Công Giáo nói chung và tín hữu Công Giáo Việt Nam nói riêng vốn trân trọng bậc tu trì. Hễ quý thầy, quý sơ hành xử như thế nào thì họ sẽ cho cách thế ấy là tốt đẹp. Từ cái lệnh truyền cho các chủng viện và tu viện áp dụng thử cách thức rước Lễ bằng tay, nên cách thức ấy đã thành chuyện bình thường trong các chủng viện và tu viện. Nếu các chủng sinh, các tu sĩ nam nữ rước Lễ bằng miệng như truyền thống thì có lẽ rất nhiều tín hữu giáo dân sẽ noi gương các vị ấy.
– Theo thiển ý là với các em thiếu nhi, xét chung thì chưa ý thức đủ, do đó nên hạn chế hoặc chưa cho các em sử dụng ân ban rước Lễ bằng tay.
Một vài nhận định và đề nghị liên quan đến việc rước Lễ trên đây hẳn còn nhiều thiếu sót và bất cập, nhưng chỉ với ước mong Kitô hữu chúng ta sống lời chỉ dạy của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là chúng ta cần phải tôn thờ Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể cho cân xứng và phải đạo, vì Đấng hiện diện trong Thánh Thể không chỉ là người Anh, người Bạn của chúng ta mà còn là Vị Thầy Chí Thánh, là Thiên Chúa Tối Cao.
Lễ Mình Máu Chúa Kitô năm 2010
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Ghi chú: 93. “ Phải duy trì việc dùng dĩa hứng khi cho các tín hữu rước lễ, để tránh Bánh Fhánh, hay một mảnh Bánh Thánh, rơi xuống đất”. Hạn từ “phải” ở số 93 của Huấn Thị dường như đã bị xem thường ở nhiều nhà thờ !
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Thánh lễ truyền chức linh mục & phó tế – Dòng Tên Việt Nam
- 4 phéρ ℓạ Thánh Thể kỳ diệu nhất trong 20 năm qua
- Nhà thờ La Vang tại Portland Oregon bị phá trong Đêm Vọng Giáng Sinh
- Trung tâm Thánh Mẫu ᒪộ Đức gia tăng phòng иgừα viruscorona
- 7 gợi ý dành cho người Công giáo khi online
- Vì sao đạo đức xuống cấp
- Kiến thức về Luyện hình và Hỏa ngục