TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO:
Một ca khúc rất mới của tác giả có bút hiệu Dấu Chân mà chúng tôi tình cờ thấy trên mạng. Tác giả hy vọng ca khúc này sẽ “nóng” lên và có ý nghĩa nhất trong tháng Mân Côi sắp đến.
Nghe đâu ca khúc lấy cảm hứng từ bức hình người đàn ông chạy xe ôm đang cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt. Bức hình từ ngày 15.8.2018 được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trước đó cũng có một bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoa Băng Tuyết.
Ca khúc này có ca từ thật đơn giản, như muốn giải thích rõ ràng việc lần chuỗi Mân Côi của người Công Giáo chúng ta.
Nhân tháng Mười, tháng Mân Côi Đức Mẹ, người viết xin tản mạn qua về việc lần chuỗi Mân Côi trong nhà đạo của mình.
“Hỡi này anh kia ơi, sao anh siêng lần chuỗi
Dẫu trời nắng hay mưa, dù là sáng hay trưa
Giữa phố phường rong ruổi.
Tràng chuỗi vẫn trên tay
Theo bước anh từng ngày
Chẳng ngại gì trời gió mưa
Những lời kinh Mân Côi.
Tuy đơn sơ là thế
Vẫn còn nở trên môi
Mặc ngày tháng tới lui
Với tấm lòng chân thành
Mẹ sẽ xót thương anh
Xin Chúa ban phước lành
và chở che suốt cuộc đời”
Xin mở ngoặc nói ngay, ca khúc có tiết tấu giai điệu “na ná” như bài “Sao em không lần chuỗi” của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống. Vì không phải là nhà chuyên môn thuộc sở trường, nên chúng tôi không bình luận về cả hai ca khúc.
Trước nhất, điều thu hút chúng tôi có lẽ là hình ảnh bác xe ôm đang lần chuỗi Mân Côi. Hình ảnh quá đẹp, nếu chúng ta nhìn dưới góc cạnh của đời sống đạo.
Giữa những nỗi cơ cực vất vả, mồ hôi nhễ nhãi, giữa sự tấp nập của phố phường, “kẻ qua người lại” xem ra bác xe ôm vẫn bình thản lần chuỗi cầu nguyện.
Chúng ta cứ nghĩ rằng việc lần chuỗi Mân Côi là “chuyện xưa như trái đất” chuyện thường ngày ở nhà thờ, nhà dòng, việc của các ông cha bà sơ và của các cụ già không biết làm gì lúc rảnh rỗi.
Thế nhưng, có một cha cố thân thiết với người viết giải thích như sau:
“Các con mất quá nhiều thời giờ vì những chuyện ‘tầm phào’ không đâu. Tại sao lúc rảnh rỗi chúng ta không lần hạt, cầu nguyện cho người thân đã qua đời. Và cầu nguyện cho chính mình nữa”. Cha còn khoe với chúng tôi: “Cả mấy chục năm nay, cha không xem tivi, chỉ đọc lướt qua vài tờ báo buổi sáng, sau đó nghe đài Vatican, Chân Lý Á Châu. Thế thôi! Mới đây, bọn trẻ trong giáo xứ cũ cài cho cha những chương trình nghe đài trên điện thoại”.
Cha cố là tấm gương cho chúng tôi trong việc lần chuỗi. Cha suốt ngày lần chuỗi. Có thể nói, bất cứ lúc nào tôi cũng gặp người với sâu chuỗi trên tay. Khi ngồi tòa giải tội. Khi cha ngồi xe ô tô người ta chở đi công việc. Lúc trước còn coi xứ cũng vậy, bây giờ về nhà hưu, người còn lần hạt nhiều hơn nữa. Ngoài giờ đọc kinh thần vụ, sinh hoạt cá nhân, tiếp khách, giờ rảnh người lại lần hạt. Cha đi lại trong sân nhà hưu dưỡng, có lần người lần hạt trong nhà nguyện.
Thật vậy, chúng ta cứ nói mình không có giờ để cầu nguyện, bận túi bụi với công ăn việc làm, giờ đâu mà đọc kinh lần chuỗi Mân Côi. Nhưng thực ra, chúng ta vẫn có giờ để nói chuyện “tào lao”, từ trong nhà ra ngoài phố, chuyện quốc gia đại sự, chuyện nhà thờ. Chuyện chúng ta biết và cả những chuyện không biết mà vẫn cứ nói. Dễ gì chúng ta chịu cảnh “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” như cha ông mình dạy. Giáo xứ thì có những chuyện hằng ngày đại loại như: “Ông cha sở ghét cô A. Ông C. không làm theo ý cha, bị cha ‘gim’.”
Chúng ta nên dành vài phút trong ngày cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó, cuộc sống chúng ta được kết hợp chặt chẽ với Chúa Giêsu và với Mẹ Maria.
Hơn nữa, cha cố cũng nhiều lần thao thức trước tình hình sống đạo của các linh mục trẻ: “Cứ tưởng linh mục đạo đức và thánh thiện lắm. Không đâu. Các linh mục thua xa giáo dân về khoản này. Cứ xem những trung tâm hành hương như La Vang thì rõ, họ chịu nằm đất mà vẫn vui tươi và hạnh phúc vì tin có Mẹ Maria luôn ở bên cạnh. Các linh mục quen được phục vụ rồi. Nhiều linh mục trẻ gặp nhau chỉ tụm lại chuyện trò râm ran, chuyện hơn thua, được bề trên giao cho xứ lớn xứ bé, chuyện ông cha này, ông cha kia bị… Ngồi mấy tiếng đồng hồ nhậu nhẹt thì được, nhưng không quan tâm đến chuyện đạo đức lần hạt Mân Côi. Tôi dám chắc rằng, ông cha nào mà siêng năng chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ sẽ thương và trợ giúp cho công việc mục vụ được thành quả tốt đẹp”.
Như thế, lần hạt Mân côi là chúng ta cầu nguyện với Chúa theo gương Mẹ Maria, sống bằng tâm tình và thái độ của Mẹ. Hay nói khác đi, chúng ta đang nhìn cuộc sống này bằng cái nhìn của Mẹ Maria. Chúng ta noi gương Mẹ Maria luôn tin tưởng vào Chúa, biết thinh lặng, suy niệm giữa bao nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời, từ những thành công hạnh phúc, đến những nỗi buồn đau đắng cay. Từ thập giá đến vinh quang, Mẹ Maria dẫn chúng ta đi từ ánh sáng lung linh rực rỡ của ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, đến cảnh thương đau tủi nhục của Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Hình ảnh đầu tiên mà chúng ta chiêm ngắm trong Mầu Nhiệm Thứ Nhất mùa Vui là cảnh tượng thiên thần truyền tin cho Đức Maria. Mẹ trở nên gương mẫu cho chúng ta với lời thưa xin vâng, ưng thuận trước lời ngỏ của Thiên Chúa “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38). Mẹ thưa xin vâng trong sự khiêm nhường, như thân phận người nữ tỳ hèn mọn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Cuộc đời Mẹ từ giây phút ấy được “sang trang”, nhưng dù sao Mẹ sẵn sàng đón nhận tất cả, hoàn toàn để cho Thiên Chúa lo liệu.
Theo bước chân Mẹ Maria qua từng mầu nhiệm Mân Côi, cuộc sống chúng ta được diễn tả qua lời Thánh vịnh 37, 3-5 như sau:
“ Cứ tin tưởng vào CHÚA và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.
Hãy lấy CHÚA làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
Hãy ký thác đường đời cho CHÚA, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.”
Dường như bác xe ôm đang thấm thía điều đó qua từng lời kinh Mân Côi. Bác thấy hạnh phúc tràn đầy khi được tình yêu thương hiền từ của Mẹ Maria che chở bao bọc. Vì Mẹ Maria cũng là Mẹ của những người đang gặp thử thách gian nan.
Nến đọc chậm rãi từng lời Kính Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Mẹ Maria. Những mầu nhiệm đó cũng gần giống như những biến cố đang xảy đến trong cuộc đời chúng ta.
Có người lại cảm thấy khi đọc kinh Mân Côi được an ủi động viên, giữa những nỗi buồn da diết phải chia ly người thân, trong những lúc mà chúng ta không biết cậy dựa vào ai, không tìm được sự nâng đỡ, lời Kinh Mân Côi khi đó sẽ là lời ủi an tinh thần, chữa lành vết thương lòng và khuyến khích ta vui sống, không buông xuôi ngã quỵ trước những thất bại.
Bạn trẻ T. năm nay 25 tuổi vừa trải qua biến cố mất mẹ, sau 2 tháng mẹ nằm bệnh viện. Bạn chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm :
“Ai cũng nghĩ là bạn trẻ chúng con lơ là việc kinh sách, đi lễ nhà thờ. Với ai không biết, riêng con, con được Chúa an ủi rất nhiều trong cuộc sống. Con ở với mẹ, vì là con út trong nhà. Các anh chị đi lập gia đình có nhà riêng. Căn nhà nhỏ chỉ có hai mẹ con ở với nhau. Con đi làm cả ngày, tối về cơm nước chuyện trò hủ hỉ với mẹ. Mẹ con năm nay 81 tuổi, đau bệnh hoài. Con hy sinh nghỉ làm cô giáo nhà trẻ để ở nhà trông nom mẹ. Mẹ càng ngày càng đau bệnh nhiều. Nhưng từ khi đi nằm viện bác sĩ kết luận, mẹ bị ung thu phổi giai đoạn cuối. Con vô cùng đau đớn, biết mình sắp mất mẹ mà chẳng làm gì được. Con không dám nói với mẹ về bệnh tình. Lúc đó, con cảm thấy chỉ có một động lực sống là cầu nguyện nhiều hơn. Con đọc kinh với mẹ suốt ngày đêm. Lúc mẹ trở bệnh nặng, đem vào bệnh viện, con cùng với mẹ lần chuỗi. Cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho mẹ. Nhưng chuyện gì đến phải đến, mẹ ra đi mãi mãi. Con cầu nguyện lần chuỗi từ giường bệnh cho đến lúc mẹ lâm cảnh hấp hối. Bà còn tỉnh thì nhép môi đọc theo con. Nhờ lần chuỗi, đọc kinh mà bây giờ con cảm thấy căn nhà đỡ trống trải, vắng vẻ, nhất là lúc con không biết bám víu vào đâu khi mẹ không còn nữa. Lời Kinh Mân Côi con đọc hằng ngày nâng đỡ tâm hồn con rất nhiều, từ lúc mẹ con ốm nặng và cho đến bây giờ mẹ không còn nữa”
Các vị chủ chăn trong Hội Thánh Việt Nam đang làm tất cả cho các gia đình Công Giáo trở về với việc đọc kinh tối. Cụ thể như tại Tổng Giáo phận Sài Gòn đã biên soạn 2 tập sách. Giờ kinh Gia đình với Lời Chúa, nhằm giúp cho các gia đình cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa cùng suy niệm, đọc một vài kinh.
Có như thế, gia đình Công Giáo mới là Hội Thánh tại gia, thờ phượng kính mến Thiên Chúa, lấy Chúa làm trung tâm của gia đình mình, và từ đó mọi thành viên trong gia đình cũng cư xử với nhau yêu thương đậm đà thắm thiết hơn, vì họ ý thức có sự hiện diện của Chúa trong gia đình mình.
Hơn nữa, trong các gia đình, nếu chúng ta dành thời giờ lần hạt Mân Côi, chỉ 10 kinh thôi cũng làm cho mỗi người biết chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, đón nhận nhau, đừng than thân trách phận, ca thán nặng lời với con cái.
Nên nhớ, cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy các tông đồ là đừng lải nhải nhiều lời, chạy đua đọc cho được nhiều kinh Mân Côi, mà không suy nghĩ để áp dụng vào đời sống. Cứ chân thành cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, chúng ta sẽ vững tin bước đi mặc dù đời sống có những ngày mưa dầm, những ngày nắng nóng oi bức, thậm chí giông bão có kéo đến đi nữa, nhưng không sao cả, vì có Chúa đổ tràn ơn thánh của Người cho chúng ta.
Kính chúc mọi người khám phá ra ý nghĩa và hiệu quả của lời Kinh Mân Côi, đặt cuộc đời và gia đình minh trong bàn tay Thiên Chúa quan phòng. Chúng ta tin tưởng Chúa sẽ chăm lo tất cả cho chúng ta và “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55, 23)
Nguồn: nguoitinhuu.org
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Giản dị như Phan Mạnh Quỳnh: Mùng 1 Tết đến nhà thờ, đàn, hát Thánh ca phục vụ bà con ở quê hương
- Tại sao phải cắt đứt thư chuyền có hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe
- Cảm ơn Linh Mục Alexandre De Rhodes đã tạo ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam
- How to Photograph Rivers and Streams
- ᙭ác tín được Đức Mẹ cᏂữa kᏂỏi corσnavirυs, linh mục Pháp kᏂích lệ các tín hữu đọc Kinh Mân Côi
- Chúa Ơi ! Xin Thương đến Quê Hương của chúng con
- Hãy cùng nhắc nhau lãnh nhận Ơn Đại Xá PORTIUNCULA DO từ trưa 01/08 đến 02/08