Từ trong Thánh Ý Thiên Chúa, một Phêrô Bùi Thanh Xuân đã cất tiếng khóc chào đời ngày 10 tháng 1 năm 1950. Rồi từ ơn gọi trên cao, Bùi Thanh Xuân đã tận hiến đời mình cho Chúa trong ơn gọi linh mục. Và cũng từ sự quan phòng của Chúa “người Khmer” Bùi Thanh Xuân đã trở về với Nguồn Cội của mình sau 68 năm làm người, 28 năm làm linh mục và 24 năm là người Khmer.
Có thể nói, nhà truyền giáo không dám gọi là vĩ đại nhưng kiên cường mang tên Phêrô Bùi Thanh Xuân đã để lại dấu ấn cho những người đã hơn một lần gặp Cha, cùng chung sống, cùng học tập, cùng làm việc với Cha. Từ Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai cho đến một đứa trẻ ở Hòa Lạc đều vẫn còn nhớ hình ảnh của Thanh Xuân dẫu rằng ngày hôm nay “người Khmer” Bùi Thanh Xuân đã đi xa lắm.
28 tuổi đời linh mục thì có đến 24 năm ở cái họ đạo nhỏ bé Hòa Lạc thân thương. Như vậy, có thể nói và chắc chắn nói được rằng cả đời Cha Phêrô đã sống và đã chết giữa người Khmer.
Mang trong mình di chứng của 2 lần tai biến để rồi tất cả các sinh hoạt đều chậm lại nhưng có một cái không bao giờ chậm trong con người của Cha Phêrô đó chính là chữ TÌNH. Cha sống TÌNH từ người lớn đến người nhỏ, từ một nữ tu già đến một em đệ tử mới đi tìm hiểu đời tu, từ những người cùng dân tộc Kinh cho đến một chú bé đen thui thủi tên Sam ở Hòa Lạc.
Chính vì chữ TÌNH đó mà ngày Cha nằm xuống, mọi người cũng làm một chút gì đó để gọi là đáp TÌNH. Những người Khmer trong họ đạo Hòa Lạc nhỏ bé dường như không thiếu vắng một ai trong những ngày tang lễ của Cha. Đặc biệt, đứa bé mà Cha cưu mang từ hồi còn đỏ hỏn mang tên Sam. Chú Sam dường như không nói được lời nào trong những ngày này bởi lẽ với chú bé đây là sự mất mát quá lớn trong đời.
Chữ TÌNH mà Cha đã sống trọn vẹn mỗi ngày của Cha.
Một lần kia, ghé thăm Cha giữa bữa trưa hè nóng bức nhưng TÌNH của Cha đã làm dịu mát cõi lòng. Những ly nước mát, những quả chuối chín mọng và những trái bắp thơm phức được cha khoản đãi. Chưa hết, trước khi lên xe ra về, quầy chuối phải có đến 3 người khiêng được Cha “bắt” đẩy lên xe mang về. Từ chối cách nào cũng không được nên cuối cùng phải làm theo ý Cha. Trên xe của các dì Mến Thánh Giá Cái Mơn chiều hôm đó toàn bắp là bắp. Thương Hội Dòng và muốn mỗi chị được 2 quả bắp nên trên xe cứ chất cho bằng đầy.
Năm ngoái, khi về dự lễ Thêm Sức ở Hòa Lạc, một mình đơn chiếc và sức khỏe không cho phép thế nhưng Thánh Lễ hôm đó cũng tròn đầy. Hòa Lạc không may mắn như những họ đạo khác để rồi ca đoàn phải nại đến quý Thầy Dòng Kitô Vua, “trưởng nghi” là Mười Rạng (Cha Phêrô Rạng – Rạch Lọp) và giáo dân phầ đông là quý dì.
Thế đó, đời của Cha Phêrô mang đậm chữ TÌNH mọi người thấy được niềm vui của chữ TÌNH và hoa quả mà Cha đã sống.
Một linh mục trẻ chia sẻ với bỉ nhân : “Thường các cha đi dự nghi thức tẩm liệm ít lắm. Hôm qua Chúa nhật mà hơn 30 cha luôn. Ai cũng thương Cha Xuân hết …”.
Và hôm nay, trong Thánh Lễ an táng của Cha Phêrô, bên cạnh vị chủ chăn đáng kính là Đức Cha Phêrô có Đức Ông Barnaba – Tổng Đại Diện – và hơn trăm linh mục trong và ngoài giáo phận nữa. Trong Ngôi Thánh Đường Nhà Thờ Mẹ của Giáo Phận thì số nữ tu của các dòng đông hơn số giáo dân gấp bội phần. Đặc biệt nhất là trên những hàng ghế đầu là bổn đạo Khmer Hòa Lạc – nơi mà Cha gần như cả đời gắn bó.
Chia sẻ trong Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn cùng nhau nhìn về cái chết để hướng đến sự chết bằng cách chuẩn bị đời sống của mình như 5 cô khôn trong bài Tin Mừng hôm nay.
Đức Cha cũng không quên kể lại những nghĩa tình ngày xưa với “cố nhân” vì ‘cố nhân” hơn Đức Cha vài lớp. Hình ảnh đặc biệt nhất đọng lại nơi Đức Cha Phêrô đó là một Phêrô Bùi Thanh Xuân luôn luôn năng động và nhất là sống hòa nhã với mọi người. Đức Cha nói chưa bao giờ thấy Cha Xuân gây hấn với bất cứ ai … Cha Xuân sống vui vẻ với tất cả mọi người … Cha Xuân yêu mến Đức Mẹ và luôn làm trưởng đoàn hành hương La Vang khi đoàn nào đó cần sự hướng dẫn của Cha.
Trước khi đưa Cha Phêrô ra an nghỉ tại đất Thánh Tân Ngãi chờ ngày phục sinh với Chúa, Đức Ông Barnaba đã chủ sự nghi thức an táng cho Cha Phêrô.
Đoàn người thương tiếc tiễn được Cha Phêrô thật dài, phải mất thời gian khá lâu thì đoàn xe mới có thể lên đường đến Tân Ngãi.
Cha Phêrô Bùi Thanh Xuân đã nằm xuống, một chứng nhân anh dũng của một đời truyền giáo để lại bao hình ảnh tốt đẹp nơi anh chị em, nơi những người thân thương với Cha. Và đặc biệt hơn cả, Cha Phêrô Bùi Thanh Xuân đã để lại cho mỗi người mà Cha gặp gỡ một chữ TÌNH.
Cuộc đời Cha Phêrô có thể nói là đã hoàn thành sứ mạng của một nhà truyền giáo cũng như hoàn thành sứ mạng của một con người đã nhận thánh Phêrô làm bổn mạng. Cha Phêô đã yêu mến Thầy nơi anh chị em đồng loại khi Thầy hỏi “này anh Phêrô Xuân – anh có yêu mến Thầy không ?”. Trong cuộc sống, ta luôn bắt gặp được lời đáp của cha Phêrô : “Thầy ơi ! Thầy biết Xuân yêu mến Thầy mà !” qua tình cảm, lòng mến mà Cha đã để lại cho mọi người.
Giờ đây, Cha đã gần Chúa hơn, xin Cha cầu nguyện cho Giáo Phận, cho những người Cha đã quen biết, yêu thương và nhất là cho họ đạo Hòa Lạc – nơi mà cả đời Cha gắn bó. Và xin Cha cũng thương cầu nguyện cho bỉ nhân này để ngày sau cùng được hưởng niềm vui cùng các Thánh trên Thiên Đàng.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Nhà thờ có kiến trúc nhà rông duy nhất ở Gia Lai
- Hệ lụy gia đình – nhà trường
- Danh sách các Tu Sĩ, Linh Mục mục vụ tại các bệnh viện thuộc TGP SÀI GÒN
- Giáo sư Na Uy: Trình độ giáo dục, mức thu nhập tỷ lệ nghịch với chủ nghĩa dân tộc trong thể thao
- Ơn gọi của con đến từ nơi đâu?
- Thứ Tư Lễ Tro 6-3-2019, Ăn Chay – Kiêng Thịt
- Thông điệp biết ơn Thiên Chúa, đoàn kết quốc gia của TT Trump Ngày Lễ Tạ Ơn