Hỏi
Kính chào Cha! Con có hai thắc mắc muốn xin được gởi đến Cha, rất mong được sự giải đáp của Cha: Thắc mắc thứ nhất: Trong suốt thánh lễ, có tất cả là 4 lần Cha Chủ tế nói: “Chúa ở cùng anh chị em”, nhưng chỉ có 1 lần trước khi đọc Phúc âm, ngài không dang tay, mà chỉ đọc thôi. Xin Cha vui lòng cho con biết lý do vì sao là như vậy. Thắc mắc thứ hai: Cũng từ câu nói của cha Chủ tế: “Chúa ở cùng anh chị em”, cộng đoàn đáp lại “và ở cùng cha”. Chữ cha này liệu có nhằm tới Thiên Chúa Cha không? Rất mong được sự giải đáp của Cha. Con xin chân thành cám ơn Cha.
Đáp:
Trong Phụng Vụ có những qui định đôi khi không thống nhất gây cho chúng ta thắc mắc. Trường hợp vừa nêu lên là một ví dụ. Những chỉ dẫn trong luật Phụng Vụ cũng không luôn luôn giải thích cho chúng ta những lý tại sao lại qui định như vậy. Nhưng tôi thiết nghĩ những nhà làm luật có những lý do khi xác định như vậy. Khi đọc lời chào chúc đầu lễ, cuối lễ, bắt đầu kinh Tiền Tụng, và trước khi trao cho nhau lời chúc bình an (Bình an của Chúa), thì chủ tế dang tay hướng về phía giáo dân. Chỉ có lời chào chúc trước khi đọc Phúc Âm thì chủ tế (linh mục đồng tế hay phó tế) luật phụng vụ lại ghi là phải chắp tay. Có thể, theo sự suy đoán cá nhân của tôi, trường hợp này tất cả cộng đoàn phụng vụ đang chú trọng vào Lời Chúa (biểu tượng là Sách Phúc Âm), chứ không phải cộng đồng tín hữu, nên cử chỉ chắp tay bày tỏ sự tôn kính của chủ tế đối với Lời Chúa.
Trong khi mọi người đang hướng về Sách Thánh, điều thích hợp là tất cả cử chỉ của chủ tế lúc này cũng đặt trọng tâm vào Lời Chúa: chắp tay cung kính, vẽ dấu Thánh Giá trên Sách, rồi trên trán, môi miệng, và ngực của chủ tế, và sau cùng là hôn kính Sách Thánh. Trong những lần chào chúc lúc khác bày tỏ lòng ước ao, cầu chúc cho Thiên Chúa ở với anh chị em, nhưng trong trường hợp công bố Tin Mừng đây là một cuộc cử hành sự hiện diện của Chúa qua Lời của Ngài chứ không phải chỉ là một ước nguyện nữa. Công bố Tin Mừng là công bố sự hiện diện của Chúa như một thực tại.
Vấn nạn thứ hai là chữ “cha” trong lời chào chúc này có nhằm tới Chúa Cha hay không? Theo mạch văn, chúng ta không thể hiểu được chữ cha đây về Chúa Cha. Giả như chúng ta nói: “Chúa ở cùng Chúa!” có vẻ thừa thãi và vô nghĩa.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- 3 điều kiện để được rước lễ
- Thời điểm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang
- TẠI SAO CÁC NAM NỮ TU SỸ DÒNG ĐA MINH LẠI MANG TRANG PHỤC CÓ CHUỖI MÂN CÔI RẤT DÀI TO ĐẸP?
- Người Công giáo được kêu gọi ‘hãy tỉnh thức’
- “Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh”
- Hôn nhân Công Giáo: Nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại.
- Chìa Khóa Mở Cửa Thiên Đàng của Kinh Mân Côi