Tam Nhật Vượt Qua là cụm từ dịch từ tiếng La-tinh Triduum paschale. Paschale là tĩnh từ, pascha là danh từ. Chữ này có nguồn gốc trong tiếng Híp-ri פֶּ֥סַח (Pesa) nghĩa là nhảy qua, vượt qua, bỏ qua hay tha thứ (x. ĐNTHTK, Vượt qua I-2b). Từ sau cuộc Xuất Hành, nó trở thành tên gọi một ngày lễ của Do Thái giáo : Lễ Vượt Qua, được cử hành hằng năm để nhớ việc ĐỨC CHÚA đã giải thoát con cái Ít-ra-en khỏi Ai cập (x. Xh 12,1-14). Từ pascha trong tiếng La-tinh gần với tiếng Hy lạp: πασχα ; tiếng Anh và Pháp có chút khác biệt. (Anh: Passover ; Pháp: Pâques). Chúa Ki-tô chết đúng vào dịp lễ Vượt Qua của Do Thái giáo nên từ Vượt Qua đã mang một ý nghĩa mới : đó là cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa Ki-tô, chính Người đã vượt qua cái chết mà bước vào cõi sống.
Trong Tuần Thánh, có ba ngày đặc biệt là Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy. Ba ngày này được gọi là Tam Nhật kèm theo chữ Vượt Qua, để chỉ ba ngày diễn ra những biến cố sau cùng trong cuộc đời của Đức Ki-tô, bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly, đến Kinh Chiều II Chúa Nhật Phục Sinh. Vì vậy, nếu nói là Tam Nhật Phục Sinh thì chưa đủ ba ngày mà mới chỉ có một ngày là ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Ngày thứ hai sau đó là Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Như thế, trong Phụng Vụ chỉ có Bát Nhật Phục Sinh mà không có Tam Nhật Phục Sinh.
Muốn đồng hóa Tam Nhật Phục Sinh với Tam Nhật Vượt Qua là vô hình trung làm xáo trộn ý nghĩa của sự việc, vì Vượt Qua ở đây muốn liên tưởng đến cuộc vượt qua Biển Đỏ của dân Do Thái, giã từ kiếp nô lệ để bước vào chốn tự do, lên đường đi về Đất Hứa. Phụng Vụ dùng từ này hàm ý diễn tả cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, đi từ cái chết đến cuộc chiến thắng trong ngày Phục Sinh.
Cũng như Đức Ki-tô đã vượt qua những nỗi khổ nhục và cái chết để cứu chuộc loài người thì các Ki-tô hữu cũng phải vượt qua những sự hy sinh đau khổ, nhất là đoạn tuyệt với tội lỗi, để sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, hầu mai ngày được hưởng phúc Vinh quang với Con của Người
Bởi thế, Tam Nhật Vượt Qua đúng là cụm từ chính xác và thích đáng để chỉ ba ngày trong Tuần Thánh, xét cả về nội dung ý nghĩa lẫn công dụng thông thường trong sinh hoạt phụng vụ.
Thứ Năm Tuẩn Thánh
Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong Bữa Tiệc Ly, Bữa ăn cưối cùng của Đức Giê-su trước khi chịu chết. Lễ này được cử hành vào buổi chiều. Những lễ nghi khác trong ngày không thuộc Tam Nhật Vượt Qua. Dối với những ai không dự lễ chiều thì Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu vào giờ Kinh Chiều. Lễ này là lễ duy nhất trong ngày, trừ lễ Chầu Dầu ban sáng, thường được cử hành tại nhà thờ chính tòa chung quanh Đức Giám Mục Giáo phận, để nói lên tính duy nhất của chức tư tế. Vì thế, các linh mục họp nhau cử hành long trọng lễ đồng tế, để nhớ lại ngày Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục, hầu vạn đại hóa lễ tế khi xưa của Người trên thập giá. Hôm nay là ngày của các linh mục, một ngày cảm động và rất đáng ghi nhớ về phúc phận của mình.. Trong lễ này, mọi tín hữu nhớ lại lời dạy của Đức Ki-tô về lòng yêu thương và tinh thần phục vụ, qua cử chỉ Người rửa chân cho các môn đệ.
Sau thánh lễ, kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ cạnh hay nơi nào thích hợp cho việc chầu Thánh Thể. Trong buổi chầu này, người ta nhớ lại đêm Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha tại vườn Ghết-sê-ma-ni. Những giờ phút này là những giờ Người lo buồn sầu não đến đổ mồ hôi máu.. Khi nhớ lại và suy niệm như thế, nhiều người được ơn sinh lòng sốt sáng, cảm thông với những sự thương khó của Chúa. Những tâm tình này có khi còn kéo dài sang cả buổi sáng hôm sau, khi có những người còn đến nhà thờ để tiếp tục cầu nguyện và suy niệm.
Thứ Sáu Tuần Thánh
Hôm nay là ngày u buồn trong tâm trí các Ki-tô hữu. U buồn là phải, vì đã là tín hữu thì ai lại không buồn khi Chúa chịu chết. Đó là lẻ thường tình. Ví cái lẽ thường tình này mà người ta cũng biểu lộ ra bên ngoài vẻ buồn phiền thuong tiếc, bằng việc ăn chay, giữ thinh lặng, giảm bớt các hoạt động. Bởi thế, thời truóc Công Dồng Va-ti-ca-nô II, có nơi các tu sỉ mặc áo dòng và áo choàng đen, cả ngày, không ai nói với ai lời nào, thái độ trầm mặc trong tư thế suy niệm. Đó là những biểu hiện bên ngoài thiết tưởng cần phài có và nên có cho hợp tình hợp cảnh.
Còn bên trong, vượt lên những xúc cảm thường tình, Phụng Vụ khuyên nên có một tâm thức thích đáng hơn : đó là tin tưởng rằng phải qua thập giá đau thương mới tiến tới thiên đường vinh phúc Ngày hôm nay không phải chỉ có sự tưởng nhớ đến những trận đòn vọt, những sự sỉ nhục, những lời nói và cử chỉ lỗ mãng của dân chúng và quân lính,, mà còn có những lời suy tôn đề cao vinh quang của thập giá như : “Lạy Thiên Chúa oai hùng ! Lạy Thiên Chúa muôn đời hằng hữu ! Xin thương xót chúng con ! Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh ; ấy chinh bởi vì cây thập giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.”
Hôm nay là ngày duy nhất trong năm không có lễ mà chỉ có nghi thức suy tôn thánh giá.. Những bài sách thánh trong nghi thức này, đặc biệt bài tường thuật cuôc Thương Khó theo thánh Gio-an rất có ý nghĩa và gây xúc động thấm thía. Sau phần phụng vụ lời Chúa là những lời cầu nguyện tha thiết cho mọi dân mọi nước và mọi loại người, vì họ là đối tượng công trình cứu chuộc của Chúa : Chúa chết là chết cho mọi người. Nếu ai có sách Nghi thức Tuần Thánh hay nếu không thì xem Lịch Những Ngày Lễ Công Giáo mà xem các chỉ dẫn về các bài sách thánh trong những ngày này trước, để chuẩn bị, thì chắc khi tham dự nghi thức sẽ hiểu hơn và được nihiều ơn ích.
Thứ Bảy Tuần Thánh
Hôm nay là ngày “Phụng vụ nghỉ hè” nghĩa là thiếu vắng hẳn các lễ nghi mà chỉ có Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Sở dĩ như vậy vì Chúa đang nằm bất động trong mồ. Nếu ban ngày vắng lặng theo phụng vụ thì ban đêm lại vô cùng linh động, vói những bài tường thuật về sự hình thành trời đất, trăng sao, về cuộc thoát ly ngoạn mục của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, nhất là cuộc Vượt Qua Biển Đỏ của họ dưới bàn tay Chúa. Đêm nay, người Do Thái nhớ lại cuộc Vượt Qua của họ khỏi cảnh đời nô lệ, còn Ki-tô hữu thì hát mừng cuộc Vượt Qua, nhưng là vượt qua cái chết để tiến tới sự sống, vượt qua tội lỗi để tiến tới chỗ tự do làm con cái Thiên Chúa. Từ nay sự chết không còn quyền hành gì trên Chúa nữa, và không còn một thế lực trần gian nào đương đầu nổi với Người, dù bên ngoài có những khi, xem ra Người như xa vắng, bất lực, để mặc cho thiên hạ ngạo mạn khinh thường và chống đối, bởi chưa đến ngày Người ra tay.
Nghi thức đêm nay mở đầu bằng việc làm phép lửa, đốt và rước Nến rồi công bố Tin Mừng Phục Sinh. Ban đầu, mọi nơi trong nhà thờ đều tắt đèn, tắt điện trừ chỗ làm phép lửa có lò than cháy. Cảnh tối đen trong giây lát có ý nói về tình trạng tăm tối của loài người đang đắm chìm trong tội lỗi, trước khi Đức Ki-tô là ánh sáng trần gian xuất hiện. Cuộc rước nến Phục Sinh tiến dần vào nhà thờ theo từng chặng một. Mỗi chặng, nến được đốt lên cho đến khi vào giữa nhà thờ, đèn điện được bật lên sáng rực, báo hiệu Ánh Sáng Thật đã đến trần gian, soi dẫn đoàn người đang bước đi trong tăm tối. Bài công bố Tin Mừng Phục Sinh được long trọng hát lên, kêu gọi mọi người hãy vui mừng đón nhận ơn cứu độ. Khi nghe bài hát này, mọi người đều cầm nến trong tay để công bố Chúa Giê-su là ánh sáng trần gian. Tiếp theo là các bài sách Cựu Ước thuật lại công trình tạo dựng trời đất, cảnh quân binh Ai cập bị dìm trong Biển Đỏ, tượng trưng cho Phép Rửa mà nếu nói cho đúng từ đúng nghĩa thì phải nói là Phép Dìm.
Sau bẩy bài Cưu Ước thì Kinh Vinh Danh được cất lên. Lúc này, mọi thứ chuông trong nhà thờ đồng loạt trổi vang, mừng ngày Chúa Phục Sinh. Sau đó, thánh lễ được cử hành như thường lệ với lời ca Ha-lê-lui-a được long trọng cất lên ba lần, mỗi lần một lên cung, trước bài ca Tiếp Liên. Sau bài giảng là nghi thức làm phép nước và tuyên xưng đức tin, từ bỏ ma quỉ của mọi người tham dự nhắc lại Phép Rửa mình đã được lảnh nhận.
Tam Nhật Vượt Qua là những ngày trọng đại có ý nghĩa nhất trong năm. Hội Thánh cử hành long trọng những ngày này và muốn con cái mình hiểu cặn kẻ những ngày đó, để tham dự cho thật có ích. Muốn như vậy, thiết tưởng cần phải hiểu Muốn hiểu thì phải học và chuẩn bị. Hiện nay không thiếu các bài trên mạng, Chúng ta có thể xem và học ở đó hay đọc sách Nghi Thức Tuần Thánh, xem các chỉ dẫn những đoạn Kinh Thánh về ba ngày này trong lịch Những Ngày Lễ Công Giáo.
Như thế, Tam Nhật Vượt Qua sẽ là những ngày sinh nhiều ơn ích thiêng liêng cho chúng ta.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Thánh lễ truyền chức Phó tế – Gp Bà Rịa
- Sự hy sinh và trái tim yêu thương của Tổng thống Croatia
- Cám ơn Mùa xuân
- Ý nghĩa lễ Thánh Gia Thất
- Điều quý giá nhất trên đời
- TGP Huế: Ý Nghĩa Logo Năm Thánh 2020
- Ý nghĩa của tro trong ngày Lễ Tro?