Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì phải chân thành. Ai chủ toạ thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,6-8).
Công việc của cha mẹ không phải là “biến” con cái trở thành linh mục hoặc tu sĩ trong tương lai, mà là dạy chúng biết đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, dù đó là ơn gọi nào.
Chúng ta nghe nói nhiều về việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu, và đôi khi có vẻ như chúng ta hy vọng rằng điều đó sẽ xảy ra giống như trong chuyện cổ tích hoặc thần thoại tại các giáo phận hoặc tu viện, làm cho có nhiều linh mục và tu sĩ như nấm mọc sau mưa.
Ơn gọi phát triển từ gia đình. Là cha mẹ Công giáo, công việc của bạn là giúp đỡ con cái trở thành người có thể lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Bạn phải lưu ý giáo dục chúng trở thành “người của Thiên Chúa”. Đây là 10 điều cần lưu ý:
1. Dạy cầu nguyện
Bạn làm điều này giống như dạy con cái ăn uống vậy. Việc cầu nguyện nên là một phần quan trọng trong đời sống gia đình. Đó là cách giúp con cái từ khi nó còn nhỏ, dần dần nó sẽ làm tốt hơn và độc lập hơn theo thời gian. Giống như bữa ăn gia đình, bạn KHÔNG NÊN bỏ việc cầu nguyện chung trong gia đình.
Ít nhất cũng nên coi việc cầu nguyện là việc cần thiết trong đời sống như thực phẩm vậy. Khi con cái còn nhỏ mà chúng không có mặt trong giờ cơm, đó là lúc bạn bắt đầu lo lắng và cầu nguyện nhiều. Đừng quá lo, bởi vì con cái sẽ biết điều chúng cần làm.
2. Dạy tự chủ
Bạn nuôi dưỡng con người chứ không nuôi dưỡng nô lệ. Con cái cần biết rằng chúng không thể muốn gì được nấy, mà phải biết từ bỏ ý riêng để làm điều cần làm, phải biết tìm kiếm điều tốt đích thực cho chính mình và cho người khác, chứ không thỏa mãn những mơ ước tầm thường mau qua.
3. Dạy vâng lời
Vâng lời là sự can đảm của lòng yêu thương, đòi hỏi phải hành động mà không than phiền, phải làm những điều có thể chấp nhận về phương diện luân lý, và khước từ làm những điều phi luân lý ngay cả khi cảm thấy mong muốn và vui thú. Đa số chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này, thế nên cha mẹ và con cái đều có thể cùng nhau phát triển trong làm việc này.
4. Dạy nhân bản
Làm sao con cái bạn cởi mở với hôn nhân nếu những người mà con cái bạn gặp là những người nông cạn, tự phụ, và nhảm nhí? Con cái bạn cần cái khác: Một người thông minh, lễ độ, vui vẻ, hòa đồng,… để có thể trò chuyện với nhau ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác. Người bạn đó không nhất thiết phải hòa hảo để trở thành người vợ hoặc người chồng, vì “nhân vô thập toàn”, nhưng người bạn đó phải là người biết điều, sống nhân bản và có tâm hồn đạo đức. Nếu con cái bạn có hướng đi tu, vấn đề nhân bản càng cần thiết hơn nữa.
5. Dạy sửa chữa
Con cái cần biết sửa chữa cơ bản đối với những thứ cần thiết như ổ điện, vòi nước, máy vi tính, bàn ủi, bình nước,… Chúng cũng cần biết kỹ năng xoay xở khi gặp khó khăn, cần biết dứt khoát quyết định trước khi có người giúp đỡ. Không tự làm thì không bao giờ có kinh nghiệm, trong cái khó sẽ ló cái khôn. Đó là sống độc lập và trưởng thành, chứ không ỷ lại vào người khác.
6. Dạy làm điều tốt
Thiên Chúa ban cho con người các tài năng và ý thích, và chúng ta phải theo đuổi niềm đam mê đó. Một số tài vặt nào đó sẽ hữu ích trong ơn gọi của con cái, sẽ cung cấp cách thức thư giãn khi cuộc sống khó khăn. Hầu hết các thú tiêu khiển có thể dạy cho con cái biết cách làm những điều mới lạ. Kinh nghiệm hữu ích lắm.
7. Dạy chọn bạn tốt
Sự đơn độc (một mình chứ không đơn côi) có cách riêng để nuôi dưỡng ơn gọi, nhưng sự cô đơn lại làm thui chột ơn gọi. Hãy hướng dẫn con cái chơi với những Kitô hữu chân chính, bởi vì bạn bè tốt sẽ tốt cho chúng khi giao tiếp xã hội, biết quan tâm, thân thiện, giúp đỡ, cởi mở, hướng thiện,… Cha mẹ và con cái nên dành thời gian giao tiếp với người khác, cả nam và nữ, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, mọi trình độ, để cùng nhau phát triển về đức tin – và cả các lĩnh vực khác nữa.
8. Dạy kỹ năng giao tiếp và giải hòa
Gia đình là cộng đồng nhỏ. Giáo xứ và tu viện là cộng đồng lớn. Dù lớn hay nhỏ, cộng đồng hoặc xã hội đều cần cách cư xử đúng đắn trong khi giao tiếp, và rồi sẽ “đụng chạm”, nghĩa là lúc đó cần biết cách giải hòa.
9. Dạy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn
Bạn có muốn con cái mình giỏi giang và ngoan ngoãn? Chắc chắn rất muốn. Nhưng đó mới là lý thuyết, và bạn không thể “đúc khuôn” chúng theo ý mình. Chúng cần ý thức làm những việc tốt (thể lý và tinh thần) cho tới khi mỏi mệt rồi nghỉ ngơi. Chúng phải biết yêu mến Chúa Giêsu để đức tin không chỉ là một mớ quy luật và thói quen. Chúng cũng cần biết thỏa mãn sự đói khát tinh thần và tâm linh, nếu không thì một phần não của chúng sẽ hình thành một “lỗ đen to lớn” (a giant black hole) mà chúng sẽ làm đầy bằng thứ khác – mà những thứ “điền vào chỗ trống” này thường là những thứ nguy hiểm, thậm chí có thể là sự vô thần. Vô cùng nguy hiểm! Vì thế, chính cha mẹ phải sống tốt để nêu gương cho con cái noi theo.
10. Dạy tuân theo kế hoạch của Chúa
Cha mẹ không chọn ơn gọi cho con cái. Chính Thiên Chúa là Đấng làm điều đó, Ngài gọi những người Ngài muốn, lúc nào thì tùy Ngài. Đó không là công việc của cha mẹ, nhưng cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn con cái biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Một điều nhỏ bé cũng có lợi ích trong việc giúp đỡ con cái chuẩn bị cho ơn gọi của chúng. Cha nào, con nấy. Cha mẹ tốt lành thì con cái cũng tốt lành. Gia đình thánh thiện thì con cái có thể dễ dàng đáp lại tiếng Chúa, dâng hiến làm tông đồ cho Chúa.
Jennifer Fitz
Trầm Thiên Thu
(viết theo NCRegister.com)
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Những niềm vui nhỏ
- Xác lập ngày lễ nhớ Đức Mẹ Loreto ngày 10 tháng 12
- Người Công Giáo có được cúng vái, dâng đồ ăn đồ uống cho người ᑕᕼếT không?
- Đồng hóa
- Lịch Công Giáo Tháng 03 – 2018 (THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE)
- Thông Tin Thêm Về Linh Mục Giả xuất hiện tại Giáo phận Hà Tĩnh
- Tượng Mẹ đồng trinh Maria ở Mỹ ‘khóc’