Sau hai lần quyên góp, các giáo xứ đã đóng góp được 71 tỷ đồng, trong khi kinh phí dự trù tu sửa Nhà thờ Đức Bà hơn 140 tỷ đồng.
Theo Cha Tổng đại diện TGP Sài Gòn Inhaxio Hồ Văn Xuân, tổng chi phí cho việc mua vật liệu, trả tiền công phục vụ việc thi công Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn từ lúc chuẩn bị (năm 2015) cho đến nay là gần 89 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau hai lần quyên góp (lần 1 năm 2015 và lần 2 trong năm 2017) là 71 tỷ đồng. Số tiền dôi ra gần 18 tỷ đồng, được phép của cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc Ban trùng tu đã vay nợ để có tiền chi trả kịp thời.
“Trong hai năm tới, còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành việc trùng tu, từ sửa chữa thay đổi mới kính màu đã hư hại, nội thất nhà thờ, chiếu sáng, hàng rào xung quanh, đàn đại phong cầm… Dự trù kinh phí sẽ bằng hai lần quyên góp vừa qua”, Linh mục Hồ Văn Xuân cho biết.
Mới đây nhất, nhân dịp thứ Tư lễ Tro (14/2 – đầu mùa Chay Thánh), cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã có thư kêu gọi giáo dân đóng góp đợt thứ ba (bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro đến cuối mùa Phục Sinh 2018) để phục vụ việc trùng tu Nhà thờ Chính tòa của Tổng giáo phận.
Nhà thờ Đức Bà xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959 (tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội).
Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít được mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của nhà thờ xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, hiện vẫn còn màu sắc hồng tươi. Không như những nhà thờ khác tại TP HCM, Nhà thờ Đức Bà không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh.
Do nằm ở trung tâm quận 1, lại là nhà thờ Chánh tòa của Tổng giáo phận TP HCM nên đây là địa điểm người dân thường tập trung về vào các dịp lễ, Tết, nhất là Lễ Giáng sinh. Ngày thường, quanh Nhà thờ Đức Bà là địa điểm quen thuộc của nhiều bạn trẻ và cũng là nơi nhiều cô dâu, chú rể đến chụp ảnh cưới.
Không chỉ với người dân thành phố, Nhà thờ Đức Bà còn là điểm tham quan của rất nhiều khách du lịch quốc tế. Mỗi ngày có hàng trăm đoàn khách nước ngoài đến tham quan, dự lễ tại thánh đường. Tuy nhiên, sau 140 năm, nhà thờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên Tổng giáo phận TP HCM muốn đại trùng tu công trình này.
Hồi cuối năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố có tờ trình để UBND TP HCM phê duyệt việc tu sửa cấp thiết mái ngói Nhà thờ Đức Bà do là công trình tôn giáo, di tích lịch sử – văn hóa. Ngày 4/7/2017, UBND TP HCM cấp phép cho trùng tu công trình kiến trúc này.
Mái ngói ngôi thánh đường được đề nghị sửa chữa dài 91 m, rộng 35 m và cao 57,3 m. Phương án là thay thế, bổ sung mái ngói tây, ngói vảy cá, ngói âm dương theo nguyên trạng và xây lại bờ mái bờ nóc, bờ chảy. Kinh phí sửa chữa do chủ đầu tư là Tòa tổng giám mục Sài Gòn vận động từ nguồn xã hội hóa.
Sau khi Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc dâng thánh lễ cầu bình an cho công trình trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, suốt tháng 7/2017 các công nhân đã lắp dựng rào chắn và giàn giáo cao 27 m bao che phần khối chính công trình.
Trong suốt năm nay, một công ty thép sẽ tháo dỡ mái ngói, thay rui mè, gia cố một số thanh sắt, dỡ ngói cũ và lợp ngói mới, trùng tu hai tháp nhọn với sự hợp tác của Công ty Eurohaus và các chuyên viên người Pháp.
Hiện hơn 27.000 viên ngói Marseille của hãng Monier (Pháp), 84.000 viên ngói vảy cá và gần 11.000 viên ngói âm dương đã về tới Việt Nam phục vụ cho việc trùng tu công trình Nhà thờ Đức Bà.
Hữu Công
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc
- Phép lạ của Cha Phanxico Trương Bửu Diệp
- Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 chức sắc cao cấp mới tại Tòa Thánh
- Gần 1 tỷ euro đổ về trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris
- Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể toàn quốc tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang Quảng Trị
- Phép lạ của Cha Trương Bửu Diệp: Dòng nước Thánh không bao giờ cạn
- Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có nguồn gốc Kinh Thánh không?