Độc thân: “Rốt cuộc, chúng ta đang bảo vệ cái gì?”

Nữ tu Marie-Paul Ross, nhà giới tính học nêu câu hỏi: “Rốt cuộc, chúng ta bảo vệ cái gì, bậc sống độc thân có ý nghĩa của nó, nhưng nếu không được đào tạo, ai sẽ sống với bậc sống này?”, (Présence/Philippe Vaillancourt)

Cuộc tranh luận về lời của Đức Bênêđictô XVI kéo dài mấy ngày nay. Ngày 15 tháng 1, Đức Bênêđictô XVI đã yêu cầu rút tên ngài đồng tác giả ra khỏi quyển sách Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi của hồng y Robert Sarah. Nếu mặt nổi của việc lùm xùm này là các khó khăn do có hai giáo hoàng cùng ở Vatican, thì mặt kia của vấn đề là bậc sống độc thân của linh mục vẫn chưa giải quyết.

Chuông điện thoại reo.

“Sao, bạn khỏe không?”

Đầu giây bên kia là nữ tu Marie-Paul Ross, sơ có rất nhiều chuyện để nói về vấn đề này, và sơ là người gọi cho nhóm Présence.

Sơ lên tiếng về quan điểm của Đức Bênêđictô XVI và hồng y Sarah: “Chỉ một thiểu số linh mục thực sự sống độc thân. Vậy rốt cùng, chúng ta bảo vệ cái gì?”

Nữ tu cam đoan, qua bao nhiêu năm tháng làm việc trong ngành giới tính học tại Québec, Canada cũng như các nơi khác, bậc sống độc thân đã tạo vấn đề cho đa số các linh mục, sơ khẳng định, rất ít các linh mục tôn trọng cam kết này.

Sơ giải thích: “Nếu độc thân có nghĩa là không có cam kết hôn nhân thì tôi đồng ý: các linh mục sống độc thân. Nhưng nếu độc thân là không có đời sống tình dục tích cực với phụ nữ, với đàn ông, với trẻ vị thành niên thì đây lại là một vấn đề khác”.

Sơ nói thêm: “Trên thực tế, độc thân đã không được sống. Đối với nhiều người, thậm chí là hoàn toàn không khả thi như một lý tưởng.”

Xung năng sinh dục

Theo nữ tu, một phần của vấn đề nằm trong việc đào tạo các linh mục tương lai, đây là một thiếu sót. Dù cho bây giờ các chủng viện khẳng định họ đã trang bị tốt hơn cho các chủng sinh, nhưng sơ Ross không thực sự tin vào điều này.

“Các chủng sinh được đào tạo về triết lý và thần học. Họ không biết làm sao đối diện với các xung năng sinh dục của mình. Chẳng hạn làm sao làm dịu xung năng sinh dục nơi người đàn ông? Phải nhận diện nó, phải hiểu phần nào trong bộ não đã phát xuất ra.”

Sơ Ross giải thích các xung năng này liên hệ đến hạch hạnh (amygdale) phần não giúp chúng ta nhận ra các tình trạng cảm xúc, như sợ hãi hoặc các trẻ em bị nguy khốn. Vì thế nó giúp chúng ta nhận diện các đối tác tình dục có thể.

Nữ tu nói thêm: “Cho dù mình muốn sống độc thân, nhưng khi phải đứng trước xung năng, sự kiềm chế sẽ là không thể nếu không được đào tạo sâu.”

Chắc chắn. Nhưng làm thế nào để kiềm chế được và không… rơi vào cám dỗ?

Sơ giải thích: “Phải chứng minh cho các linh mục rõ, đây là tình trạng cảm xúc của họ: lòng tự trọng của chính họ, sự công nhận của họ, giá trị của họ trong sứ vụ – điều này có thể gặp khó khăn ở Québec vào thời buổi này, khi chức linh mục thực sự không được đánh giá cao. Sau đó họ phải biết các giai đoạn đau buồn, bị chấn thương, bị lo lắng mà không được ‘điều trị’ thì sẽ làm cho mình dễ bị tổn thương. Vì thế khi có một cơ hội nhỏ, họ không có thì giờ để suy nghĩ, để quyết định, và xung năng tình dục sẽ thắng thế.”

Nói cách khác, đây không phải là nén xung năng, nhưng phát triển các phương tiện để làm cho bộ não thích ứng với việc tiếp nhận và xử lý xung năng này để không bị  mất kiểm soát.

Tâm lý phụ nữ

Nữ tu Marie-Paul Ross giải thích tiếp, không thể đào tạo đúng cách để có đời sống độc thân mà bỏ qua vấn đề người phụ nữ “cám dỗ”, cần xem lại huyền thoại dai dẳng này vẫn còn tồn tại trong Giáo hội.

Tuy nhiên, như bất kỳ huyền thoại nào, nó cũng có một nền tảng sự thật. Sơ giải thích: “Nếu người phụ nữ bị thiếu thốn tình phụ tử, có những đau buồn, những đau khổ tình cảm chưa được chữa trị, họ sẽ dễ dàng phải lòng một linh mục và thường thường họ chiếm được tình yêu này, vì người linh mục chưa được đào tạo để xử lý với các phụ nữ thiếu tình thương! Và trước hết đây cũng là thái độ của người ‘mục tử nhân lành’ muốn giúp đỡ. Nhưng thái độ ‘mục tử nhân lành’ này mang đến bao nhiêu là thảm họa cho Giáo hội.”

Sơ cho biết, khi tiếp các linh mục đang chữa trị hay trong các lớp đào tạo, sơ giải thích, người phụ nữ trong tình trạng mật thiết  – điều này có thể xảy ra khi họ nói chuyện về lương tâm, về mối quan hệ với Chúa và diễn tả tình cảm – và người thiếu trưởng thành về cảm xúc có thể dễ dàng làm say mê người đàn ông. Đó là điều nữ tu gọi là sức mạnh xung năng xúc cảm của phụ nữ.

Cuộc gặp gỡ của hai xung năng – một bên là sinh dục, một bên là tình cảm – nhất là khi sống “trong sự non nớt” thì sẽ tác động mạnh trên bậc sống độc thân của linh mục.

Như thế ở đây không phải là chuyện “người đàn ông sa ngã” và “người phụ nữ cám dỗ”…

Sức khỏe và tâm linh

Đây cũng là lý do vì sao sơ Ross không phản đối việc linh mục độc thân dù sơ nghĩ các linh mục ngoài đời có quyền chọn lựa. Đồng ý độc thân, với điều kiện phải được đào tạo và có khuôn khổ thích ứng đầy đủ.

Nữ tu đặt câu hỏi: “Độc thân có ý nghĩa của nó, nhưng nếu không được đào tạo thì ai có thể sống được? Độc thân là người dấn thân với cảm xúc bình thản. Nếu cảm xúc bị giao động – điều xảy ra với tất cả mọi người – thì chúng ta phải làm cho dịu.”

Nữ tu Marie-Paul Ross năm nay 72 tuổi, sơ thuộc Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Shediac Bridge, tỉnh bang Nouveau-Brunswick, Canada. Sơ cho biết các tu sĩ cũng đã từng ‘cua kéo’ sơ trong nhiều năm, “đôi khi họ kín đáo, đôi khi họ trực tiếp” kể cả một giám chức cao cấp mà sơ không nêu tên.

Trong nhiều năm sơ đã cố gắng cổ động để có một sức khỏe lành mạnh về tình dục, nhưng sơ thú nhận mình nản chí vì “đụng vào bức tường” của Giáo hội. Một sự chán nản làm cho sơ tự hỏi về tương lai của ngành giới tính học mà sơ làm.

“Tôi muốn kết nối mình về với tâm linh. Tôi có một nhóm suy niệm trung lập không tôn giáo. Có một nhu cầu ở đó. Thời gian càng trôi qua, tôi càng quan tâm đến mối liên hệ giữa sức khỏe và tâm linh. Tôi mong muốn sống trong bình an.”

Marta An Nguyễn dịch

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết