Ngày 22/3/1999, tôi được một lá thư của ông Nguyễn Đình Lộc là người thân quen từ giáo xứ Tân Mỹ, hạt Phan Rang, Giáo phận Nha Trang, Việt Nam. Nguyên văn như sau (những chữ trong ngoặc đơn là của tôi ghi thêm)
“Hôm tháng 7 vừa rồi, trong gia đình cháu, có cháu Phương (con trai của ông Lộc) gặp tai nạn trầm trọng trên công việc làm ăn nghề nông. Cháu xin thuật công việc xảy đến cho cháu Phương. Ngày 18 tháng 7 năm 1998, vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ Bảy, hai cha con đang phá gò mối đã gần xong. Gò mối đổ xuống đè lên cháu Phương phủ cả mình rất nặng, chỉ còn cái đầu. Trong lúc cháu kêu cứu, thì Hạ (anh em bạn rể với ôngLộc) và những người làm gần đó chạy tới moi lên để đưa cháu Phương ra. Cháu thở không được nữa. Lập tức nhờ Cha xứ đưa đi bệnh viện Phan Rang cấp cứu.
Nằm bệnh viện một ngày một đêm, chỉ thở bằng dưỡng khí. Đêm 19 tháng 7, các bác sĩ đều bó tay. Có cả bác sĩ cháu của con tên là Ngọc (gọi ông Lộc bằng chú ruột). Bác sĩ cho biết đêm nay Phương sẽ chết, vì dập cả hai lá phổi, không thể sống được. Điện báo về cho nhà biết để chuẩn bị đưa xác Phương về. Nhờ Cha xứ, các xơ và cộng đoàn giúp lời cầu nguyện.
Tám giờ tối hôm đó, cháu từ Song Mỹ đến bệnh viện thăm con và đem theo ảnh Đức Mẹ La Vang. Đến nơi thì khoảng chín giờ tối, cháu liền đặt ảnh Mẹ lên ngực cháu Phương và cầu xin Mẹ. Lúc mười giờ đêm, các bác sĩ khám thì thấy tình trạng khả quan hơn. Hai lá phổi đập trở lại. Các ông bác sĩ đều lấy làm ngạc nhiên và nghĩ là chỉ có ơn trên giúp. Thật Đức Mẹ La Vang đã cứu đứa con thoát khỏi tử thần và được khỏe mạnh lại. Hiện cháu Phương đã làm ăn bình thường.”
Nhân dịp về thăm lại quê hương vào tháng 6 năm 1999 vừa qua, tôi có thăm gia đình ông Nguyễn Đình Lộc, gặp cháu Phương, một thanh niên với tuổi đời 24, một nạn nhân đã được Đức Mẹ La Vang cứu sống và cho hồi phục sức khỏe. Các nhân chứng đã xác nhận rõ ràng là nhờ ơn lạ tấm ảnh Mẹ La Vang, như đã kể trong thư. Về xuất xứ tấm ảnh, bà Lộc cho biết: một tháng trước khi cháu Phương gặp tai nạn, nhân có việc đi Nha Trang, bà ghé qua giáo xứ Hòa Yên (Cam Ranh), để thăm Cha xứ ở đây cũng là người bà con. Cha xứ đã tặng cho bà tấm ảnh Mẹ La Vang, là tấm ảnh đã cứu con bà và gia đình bà.
Sau khi cháu Phương được bình phục, ông bác sĩ chăm sóc cháu là người lương, năn nỉ xin tấm ảnh đó vì cho là rất linh thiêng. Gia đình ông Lộc đã sang tấm ảnh đó để tặng cho ông ta và giữ nguyên tấm ảnh chính Đức Mẹ ban ơn lạ để ghi nhớ và cám tạ ơn Mẹ La Vang muôn đời.
Câu chuyện trên kể lại ơn lạ Đức Mẹ La Vang ban cho gia đình Công giáo có lòng tin tưởng cầu khẩn với ảnh Mẹ. Nhưng có trường hợp đặc biệt, một gia đình Phật giáo chưa hiểu biết và chưa tin tưởng, nói chi đến việc cầu xin Đức Mẹ, mà người cha trong gia đình tình cờ có mang ảnh Đức Mẹ La Vang trong người mà được Đức Mẹ cứu sống cách lạ lùng, và còn ban ơn cho cả gia đình trở lại đạo Công giáo và giữ đạo sốt sắng, như trong Hồi ký Bốn Mươi Năm Một Dòng Lệ của tác giả Lê Tín Hương, là người con của gia đình đó, đã đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số tháng 5, năm 1998, (tr. 20 đến 22), và còn đăng trên Bán Nguyệt San Ngày Nay, số ra ngày 31 tháng 8, 1998. Tôi xin tóm lược như sau:
Trước kia gia đình tác giả Lê Tín Hương là một gia đình Phật giáo, đặc biệt người mẹ là một Phật tử rất sùng đạo. Bà đã quy y với pháp danh Nguyên Khai và đã từng xây chùa cho làng bên ngoại tại Huế. Người cha là một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Trung ương Thành phố Huế. Một hôm, vào năm 1958, ông đi thanh tra Bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số. Một sáng, từ nhà đi ra, vừa bước mấy bậc thềm, ông gặp Cha Cao Văn Luận đi vào. Cha Cao Văn Luận là người đồng hương, rất gần gũi yêu thương gia đình ông, và Cha cũng ước mong được thấy gia đình ông ấy theo đạo.
Cha Luận gặp ông, vui vẻ bắt tay ông, vừa đưa cho ông một tấm ảnh Đức Mẹ vừa nói: “Tôi mới đi kiệu ngoài La Vang về. Tôi xin tặng ông một tấm ảnh Mẹ La Vang. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng. Ông hãy giữ lấy và cầu nguyện với Mẹ.” Ông bác sĩ tươi cười cám ơn Cha, và thuận tay cho tấm ảnh vào túi áo trong. Sau đó, ông cáo lỗi và chào từ giã Cha, vì phải đi công tác cùng với ba bác sĩ khác, cùng một nhân viên bệnh viện đang đợi ngoài xe.
Hôm đó trời mưa tầm tã, đường sá trơn trợt. Chiếc xe chở bốn bác sĩ và một nhân viên bệnh viện trực chỉ đi Quảng Trị. Khi đến Cầu Giồng, Quảng Trị, thì xe bị lật và chìm xuống sông. Buổi chiều, gia đình nhận được hung tín báo cho biết tất cả đều tử nạn. Người mẹ và các con theo xe bệnh viện đến Quảng Trị nhận xác người cha. Lúc đến nơi, gia đình thấy thi hài của ba bác sĩ kia và một nhân viên bệnh viện đã được vớt lên và đặt nằm cuối hầm cầu tại một trạm gác nhỏ.
Còn thi hài của người cha thì chưa tìm thấy. Trong lúc mấy mẹ con đang buồn phiền than khóc thì bỗng nghe có tin báo là đã vớt được xác người cuối cùng rồi, và thấy người ta đang khiêng xác người cha vào đặt nằm trên chiếc băng ca. Lại nghe có tiếng nói lớn: “Trời ơi, hình như ông ta chưa chết. Còn thở, hơi thở yếu lắm… Làm hô hấp nhân tạo đi!”
Ông bác sĩ, người cha của gia đình quả còn sống thật! Người mẹ sụp quỳ vái lạy cám ơn Trời, Phật, nước mắt dầm dề vì hạnh phúc đến quá bất ngờ. Mấy người con quỳ chung quanh chiếc băng ca nơi người cha đang nằm. Sau đây, tôi xin trích nguyên văn một đoạn hồi ký của tác giả kể lại chính lời cha mình nói về việc ông được cứu sống nhờ tấm ảnh Đức Mẹ La Vang:
“Ba tôi đã tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng thật yếu ớt. Câu nói đầu tiên mà tôi không bao giờ quên được: ‘Hãy xin Cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà. Đức Mẹ La Vang đã cứu ba.’ Nói xong, ông đưa tay vào trong túi áo da lục kiếm, và sau đó, ông đã lấy ra tấm ảnh Đức Mẹ La Vang. Tấm ảnh mà Cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Tấm ảnh đã ướt sủng và đậm màu vì thấm nước, nhưng hình Đức Mẹ với áo choàng xanh vẫn còn in rõ nét. Ba tôi nói tiếp: ‘Chính Bà này đã cứu ba. Bà đã lôi ba ra vì lúc ấy đang mắc kẹt trong xe. Bà đẩy ba lên mặt nước và nói: ‘Ta là Đức Mẹ La Vang đến cứu con!’
Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và bảy anh chị em đã được rửa tội trong tự nguyện và lòng hoan hỉ của mẹ tôi… Theo lời xin của ba tôi, để cảm tạ ơn thánh của Đức Mẹ, lễ rửa tội đã được tổ chức tại Thánh đường La Vang. Mẹ tôi vô cùng hân hoan và về sau luôn tin tưởng lần chuỗi Mân Côi cảm tạ ơn Đức Mẹ mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt bà là một tín hữu sốt sắng, sùng kính Đức Mẹ tuyệt vời. Đây là những hình ảnh cuối đời của mẹ tôi… Còn ba tôi năm nay đã gần 90. Ông vẫn còn kính tấm ảnh năm xưa trên bàn thờ. Tấm ảnh ngày nay đã nhạt mờ theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông đều đọc kinh, lần hạt cảm tạ ơn Đức Mẹ.
Câu chuyện kỳ lạ này đã được chúng tôi thường xuyên kể lại cho con cháu nghe, như là một câu chuyện thần thoại, nhưng có thật, đã xảy đến từ một trong những phép lạ của Đức Mẹ La Vang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.”
Quả thật, có nhiều gia đình được Mẹ La Vang ban ơn lành qua tấm ảnh Mẹ nhưng không có bút tích để lại. Trên đây, tôi chỉ xin ghi lại một vài trường hợp điển hình để cao rao lòng lành và quyền phép của Mẹ ban ơn xuống cho con dân Việt Nam, chẳng những tại La Vang, mà còn theo con cái mang tấm ảnh Mẹ đi khắp đất nước Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Với tấm ảnh Đức Mẹ La Vang, trên bước đường ly hương chúng ta may mắn có Mẹ đồng hành.
Các gia đình Việt Nam hải ngoại hiện đang gặp thử thách về đức tin và lòng đạo đức trong một thế giới thượng chất vô thần ngày nay. Chúng ta hãy vững lòng cậy trông cầu khẩn trước ảnh Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam, ắt Mẹ sẽ nhậm lời cứu giúp chúng ta theo ý nguyện, như Mẹ đã hiển linh hiện xuống cứu giúp tiền nhân chúng ta trong cơn bách hại cấm cách. Với niềm tin yêu phó thác, chúng ta cùng cất cao lời ca nguyện và cám ơn Người muôn thuở…
“Lạy Đức Mẹ La Vang,
Xin cứu con khốn nạn,
Phần linh hồn và xác,
Xuống ơn thiêng muôn vàn.”
Nguồn tin: melavang
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Người Công Giáo Xem Bói Toán Có Tội Hay Không?
- Đọc báo cũ: Nỗi lòng của một thừa sai: Tại sao tôi không trở về Pháp
- Cảин giác với tin giả liên quan đến nhóm Lạc Giáo sứ điệp từ trời
- Giáo phận Bà Rịa: Thánh lễ truyền chức linh mục – Năm 2018
- Tượng Đức Mẹ Khổng Lồ Làm Từ Thân Máy Bay
- NGÔI VỊ NÀO LÀ ĐẤNG TẠO HÓA
- Đức Cha Lorensô Chu Văn Minh từ chức