Có một mẩu chuyện “tiếu lâm” như sau:
“Linh” của một con lợn bị giết trên dương thế…tìm đến Diêm Vương…để kêu “oan” …
Diêm Vương hỏi:
–Nỗi oan của nhà ngươi như thế nào? Kể đầu đuôi ta nghe…
-Dạ, họ bắt con đem đi làm thịt…
-Rồi ! Nói rõ đi : họ làm thịt ngươi làm sao ?
-Dạ, họ trói con lại, đè con ra chọc tiết…Xong rồi đổ nước sôi lên mình con và cạo lông…
-Sao nữa ?
-Họ mổ con ra, xẻ thành từng mảnh, ướp hành tỏi và các loại gia vị…rồi kẹp trong vỉ nướng, trở qua trở lại trên lò than hồng, khói bốc nghi ngút, thịt cháy xèo xèo…
Diêm Vương nuốt ực nước miếng quát to:
–Thôi ! Đứng nói nữa ! Ta THÈM !!!
Dù sao thì con lợn trong mẩu chuyện “tiếu lâm” ấy cũng vẫn còn là một con lợn…đáng để kêu oan, vì nó vẫn là một con lợn sạch, được chăm nuôi theo quy trình VietGAPH nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng…Nếu giả như Diêm Vương có “động lòng”…thì Diêm Vương có lẽ cũng vẫn còn “tồn tại”…để mà nghe…kêu oan !
Thời gian cận Tết Kỷ Hợi năm nay lại rơi ngay vào thời điểm dịch long móng lở mồm hoành hành, và lợn chết nghênh ngang trên nhiều lề đường, mương nước vùng thôn quê…Người viết không dám nghĩ đến chuyện người ta đi gom lợn chết lề đường hay vớt lợn chết trôi mương, nhưng chắc chắn một điều – và phóng viên Truyền Hình đã thâm nhập một vài cơ sở chế biến thịt heo khô hay thịt xông khói – cho thấy người ta dùng lợn chết để chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết cùng với rượu nho giá rẻ vốn là một thứ nước đo đỏ nào đó – có lẽ là si-rô – trộn với cồn…rồi “mặc” cho nó một cái vỏ đẹp đẹp, biến nó thành rượu vang…và thị trường tiêu thụ chủ yếu là vùng cao, vùng xa !!! Thậm chí bà chủ cơ sở chế biến còn lên giọng: cái dù của chị to lắm đấy !!! Ôi những cái dù !!! Mà có phải chỉ là thịt xông khói không mà thôi đâu…Nào là lạp xưởng, xúc xích…cùng với hầm bà làng những món nhậu từ thịt lợn…
THÈM – theo tự điển – thì là một động từ có ý nghĩa là có cảm giác muốn được hưởng một cái gì đó hay một điều gì đó trong sinh hoạt, do nhu cầu thôi thúc của cơ thể…
Tự điển cũng bảo rằng có một động từ đồng nghĩa hai chữ : THÈM THUỒNG…và có nghĩa là THÈM đến mức để lộ ra ở cử chỉ, ở thái độ…
Người viết thì nghĩ như thế này : hai động từ THÈM và THÈM THUỒNG còn có thể là một “trạng từ” để chỉ tình trạng THÈM hay THÈM THUỒNG – một tình trạng liên miên nơi từng con người và toàn thể nhân thế…Đồng thời cũng có thể là một danh từ để chỉ NỖI THÈM hay SỰ THÈM THUỒNG vốn lúc nào cũng có mặt trên cõi dương gian này…
Vì THÈM hay THÈM THUỒNG mà không biết bao nhiêu những chiêu trò được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm mục đích để kích thích mọi “bản năng” nơi con người…mà tự điển bảo là “do nhu cầu thôi thúc của cơ thể”, đồng thời cũng chỉ nhắm đến một chuyện một là đem lại lợi ích cho bản thân hay phe nhóm…vốn cũng bị điều khiển bởi sự THÈM và nỗi THÈM THUỒNG : THÈM hay THÈM THUỒNG đồng tiền… để xây nhà cao cửa rộng, để mua sắm xe sang…dù cuối cùng thì cũng vẫn chỉ là một khung lỗ tám tấc rộng, hai thước dài…và một cái hòm lọt thỏm trong đó…
Nhớ lại câu chuyện Lục Súc Tranh Công – nghĩa là chuyện của sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng…Một câu chuyện được kể theo thể “nói lối” của một nhà thơ khuyết danh bằng chữ Nôm và được cụ Trương Vĩnh Ký phiên âm ra chữ Quốc Ngữ vào năm 1887…
Sáu con vật ấy là trâu, chó, ngựa, dê, gà và heo…Chúng tranh luận gay gắt với nhau về công trạng của mỗi con đối với nhà chủ…Cuối cùng thì ông chủ phải lên tiếng để hòa giải…
Các nhà phân tích văn học cho rằng : thông điệp của tác phẩm là nhằm để dạy cho chúng ta về việc ở đời này, dù lớn hay nhỏ, mỗi người có một chức vị, cố gắng để làm tròn chức vị ấy nhằm mục đích giúp đời và không nên ganh tỵ lẫn nhau…
Heo là con vật cuối cùng và bị gà trì chiết là ăn rồi ngủ, ngủ thì ngáy, tướng mạo thuộc giống dị hình, đói thì réo, cắn máng, cắn chuồng…và chủ nhà phải tất tưởi lo cám, lo rau…
Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại, biết gì việc chủ.
Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú,
Xem dung nhan khác thể lạ đời.
Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi
Chạy rau cám như tiên nội án.
No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất,
Đói xép hông, cắn máng, cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy,
Bán bôi gì mà người yêu vậy ?
Mù quáng chi mà phải báo cô ?
Bị trì chiết như thế đó…nên heo kể công:
Vua ngự lễ Nam Giao đại đột,
Phải có heo mới gọi tam sanh,
Đừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ.
Kìa những việc hôn nhân giá thú,
Không heo ra tính đặng việc chi ?
Dầu cho mời dăm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong trang trải.
Phải chăng, chẳng phải,
Nghĩ lại mà coi,
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước…
Trong Tin Mừng cũng có lần – khi trừ quỷ ám cho hai người ở miền Ga-da-ra – quỷ đã xin và Chúa Giê-su đồng ý cho phép Thần Xấu “nhập” vào đàn heo 2.000 con (Mt , 23 – 27; Mc 5, 1- 13 ; Lc 8 , 22 – 25) …để rồi toàn bộ đàn heo ấy đều lao đầu xuống biển…Thật ra thì Chúa Giê-su cũng không ghét heo lắm đâu, nhưng đấy là do Thần Xấu lên tiếng xin và – đối với người Do Thái – thì heo bị gán vào danh sách giống vật phải kiêng cữ do luật sạch/dơ…
Rồi …có cả chuyện THÈM…và thứ thực phẩm dành cho heo…mà thánh sử Luca ghi rõ là “đậu muồng heo ăn” , đấy là trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” ( Lc 15 , 1 – 3. 11 – 32): Anh con thứ – trẻ người non dạ – đòi cho bằng được phần “gia sản” thừa kế chắc chắn cha sẽ dành cho mình…Người cha bằng lòng “chia trước” cho anh ta…và anh ta ôm phần gia sản thừa kế ấy ra đi – thay vì tìm cách “startup” làm ăn – anh ta tiêu xài nó vào chuyện thỏa mãn những thứ THÈM chóng qua…cho đến khi tay trằng…phải đi chăn heo mướn…và THÈM đậu muồng nấu dành cho heo, nhưng chẳng ai cho !!! Rất may là anh ta còn có thể hồi tâm và tự nhủ : “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người :“Thưa cha , con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công của cha vậy!” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.” Nhưng người cha – ngày ngày tựa cửa đợi mong – đã chạy ra “ôm cổ anh và hôn lấy hôn để”…Dĩ nhiên – trong hôm nay – không có chuyện thèm đậu muồng như xưa, nhưng biết đâu không có những “người con thứ” đã tiêu xài sạch sành sanh vốn liếng tinh thần cũng như vật chất mà người Cha Nhân Hậu – là Thiên Chúa Tạo Hóa – đã “chia trước” với mục đích để làm lợi cho mình và cho anh chị em quanh mình, nhưng cái THÈM và sự THÈM THUỒNG đã lấy đi hết…để rồi phải lần mò ở những thùng rác mà kiếm sống…
Như chúng ta đã nói ở trên, Chúa hoàn toàn không ghét dơ gì con heo, và Người cũng hiểu rằng mọi sự được Thiên Chúa Tạo Hóa dựng nên nhằm mang lại niềm vui cho con người, trong đó có heo mà tác phẩm Lục Súc Tranh Công đã đặt để trên “mõm” heo việc phân giải giá trị của mình: là yếu tố giải quyết việc “quan, hôn, tang, tế” – những việc quan trọng trong cuộc sống con người…Tuy nhiên điều thực sự dơ, thực sự ô uế…là do “kẻ xấu thì rút cái xấu từ khotàng xấu của mình” ( Mt 12, 35)…
Nói đến đây, người viết nhớ đến câu chuyện “Nhân Trư” ngày xưa thời Lưu Bang Hán Cao Tổ…Lưu Bang thủa sinh thời sủng ái phi tần Thích Cơ…Sau khi Lưu Bang băng hà, Lã Thái Hậu – tức là hoàng hậu của Lưu Bang – ra lệnh chặt tay chân, móc mắt, đốt tai, bắt uống thuốc để thành câm, nhốt nơi tối tăm, dơ bẩn…và gọi là “Nhân Trư”…Bà cho mời Huệ Đế – con thứ hai của Lưu Bang Hán Cao Tổ lên nối ngôi cha – đến xem “Nhân Trư”…Huệ Đế biết rằng đó là Thích phu nhân, ông khóc rống…rồi bị ám ảnh và chết khi mới có 22 tuổi…
Ở đây thì lòng người “ác và dơ” hơn heo nhiều lắm…Và phải thẳng thắn mà nói, hai chữ “nhân trư” có lẽ đúng hơn nên dùng trong những trường hợp như thế này khi mà – thay vì nghĩ và quan tâm đến cuộc sống của bá tánh – người ta chỉ chăm chăm chú chú đến lợi ích Nhóm vốn cũng là lợi ích của bản thân, của gia đình mình…
Thật ra thì có rất nhiều danh nhân tuổi Hợi đã mang đến cho dân tộc mình hay công đồng con người những điều đáng trân trọng :
Chẳng hạn ở Việt Nam có các cụ Phan Kế Bính (1875-1921) tuổi Quý Hợi, Phan Khôi (1887-1960) tuổi Đinh Hợi, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) tuổi Tân Hợi, Nguyễn Huy Tự (1743-1790) tuổi Quý Hợi cùng nhiều nhiều vị khác nữa…Trên thế giới có Tổng Thống thứ 3 Hoa Kỳ tuổi Quí Hợi (1743-1826) Jefferson, Tổng Thống thứ 7 của Hoa Kỳ (1767 – 1845) Andrew Johnson, ông Simon Perez (1923), Tổng Thống thứ 15 của Hoa Kỳ James Buchara (1791-1868) , nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (1924) tuổi Quí Hợi…
Nơi những con người ấy đương nhiên cũng có sự THÈM và nỗi THÈM THUỒNG, nhưng là sự THÈM và nỗi THÈM THUỒNG mang tên ƯỚC MƠ và KHÁT VỌNG…
Tác giả người Anh Samuel Johnson (1709 – 1784) có nói : Tầm cỡ thực sự của một con người được đo bằng cách anh ta đối xử với những người chẳng đem lại cho anh ta lợi ích gì.
Thôi thì dù sao cũng đến thời gian năm cùng tháng tận, giữa đất trời và bên cạnh nhau, chúng ta nâng “Ly Rượu Mừng”:
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa…
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới… – Ly Rượu Mừng – Phạm Đình Chương
Mong thay !!!
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp – xuân Kỷ Hợi
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Nhớ vị mục tử nhân lành: Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo (1909-2001) – Giám mục Phát Diệm ( Phần 1)
- Những kỷ niệm nhỏ
- Y khoa giải thích tại sao máυ và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018 (Ngày 28.02.2018)
- “SAO ANH SIÊNG LẦN CHUỖI”
- Đàn Ong xây tổ ᗷảo ᐯệ ảnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh
- Đức tin và tình yêu lý giải được những khác biệt