Chiều hôm nào tiếng hát bay cao, quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời… .(Diễm tình ca)
Đi giữa muôn hoa, dưới ngàn ánh điện lung linh, trong vòng tay yêu thương của cộng đoàn, cùng sự hiện diện của gia đình và bạn bè. Hôm nay, hai bạn trẻ tay trong tay tiến lên bàn thờ dưới sự chủ tế của linh mục chính xứ anh chị đã đón nhận bí tích hôn phối trở thành vợ chồng theo luật Hội thánh Công giáo.
Hình ảnh đôi uyên ương đi bên nhau tiến lên bàn thờ trước sự chứng kiến của cộng đoàn và Thiên Chúa để thề hứa chung sống trọn đời đẹp đẽ và lung linh bút nào tả xiết, giữa một xã hội nhiễu nhương, nhiều giá trị đã mất đi vẻ đẹp truyền thống thì hôn nhân Công giáo vẫn luôn giữ được nét đẹp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc kể cả về phương diện trần thế cũng như đức tin. Chắc hẳn, phải có nhiều người đã từng hỏi :
” Vì sao trên cuộc đời, từ hai người xa lạ, không có mối liên hệ họ hàng huyết thống lại chung sống được với nhau đến trọn đời như vậy ?
Xin thưa rằng : hôn nhân là sự tiền định của Thiên Chúa ,sẽ có rất nhiều câu hỏi thắc mắc về hôn nhân Công giáo, nhân thánh lễ thành hôn của anh chị, tôi xin giới thiệu đến những nét chính yếu hôn nhân Công giáo.
Hôn nhân Công giáo được xem là định chế lâu đời của Giáo hội và có giá trị đến hiện tại như thửa ban sơ. Hôn nhân biểu trưng của tình yêu Thiên Chúa với con người, chính vì vậy hôn nhân Công giáo là một bí tích (Dấu tích bí nhiệm) để mang lại hạnh phúc gia đình. Giáo hội có nhiều thủ tục cần thiết để cho đôi bạn chuẩn bị hành trang để sống đời sống gia đình. Ngoài những nghi lễ và các nghi thức như những người bình thường, hôn nhân Công giáo có những điểm khác biệt sau:
1. Hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu:
Người Công giáo rất coi trọng tình yêu, nhất là tình yêu vợ chồng, vì thế đôi nam nữ trước khi đến trình diện với cha xứ phải qua quá trình tìm hiểu và yêu thương nhau. Cả hai đều tự nguyện yêu thương nhau mà không bị ràng buộc hay ép thúc từ bất cứ một người thứ ba nào khác, khi đã xác định đời sống hôn nhân, hai người mới quyết định lấy nhau, đến trình diện với cha xứ nơi hai người sinh sống.
2. Học giáo lý:
Giáo lý hôn nhân là hành trang mà Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn trẻ bước vào đời sống gia đình với một kiến thức nhất định về đạo cũng như đời. Thông thường thời gian học cho cả hai người đều là Ki-tô hữu khoảng 6 tháng, còn nếu là tân tòng (những người trở lại đạo) thời gian học sẽ lâu hơn. Có người sẽ nói học như vậy là quá lâu và ép buộc, nhưng chúng ta hãy nghĩ xem, đời sống gia đình rất phức tạp vì vậy cần thiết phải có lượng kiến thức nhất định về đời sống gia đình thì gia đình sau này mới hạnh phúc được, bỏ thời gian sáu tháng để mưu cầu hạnh phúc cả đời là điều đáng làm của một người biết suy nghĩ.
3. Rao hôn phối:
Sau khi học hỏi giáo lý hôn nhân xong, nếu hai bên quyết định dứt khoát kết hôn, thì trình cho cha xứ bên nhà gái biết. Ngài sẽ làm lời rao hôn phối và rao trong ba Chúa nhật ở giáo xứ của mỗi bên.
Việc rao hôn phối tại mỗi xứ nhằm để cho mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở thì giải quyết trước hoặc trình báo với cha xứ, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới. Có nhiều người sẽ cho rằng việc này ảnh hưởng đời tư của hai người, nhưng ta thấy đó là một hình thức rất hay để khích lệ đời sống cộng đồng, cũng là một điều rất tốt đẹp cho đôi bạn trẻ sau khi thành lập gia đình.
4. Cử hành thánh lễ bí tích hôn phối:
Đây là ngày trọng đại, linh thiêng nhất của đôi uyên ương, khi đã hoàn thành khóa học giáo lý hôn nhân, hai người quyết định kết hôn với nhau. Thánh lễ cử hành bằng các nghi thức phụng vụ đặc biệt, các bài đọc dành riêng, nghi thức hôn phối được bắt đầu sau bài Phúc âm và bài giảng, gồm ba phần:
Phần một: Thẩm vấn đôi tân hôn
Chủ tế lần lượt hỏi cô dâu và chú rể ba câu hỏi về sự tự do, về việc yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời và về việc đón nhận con cái. Những câu hỏi này nhằm giúp đôi tân hôn chính thức xác nhận trước mặt mọi người rằng họ thực sự ý thức và trưởng thành khi quyết định kết hôn, nghĩa là có sự tự do để lấy nhau, chấp nhận ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là yêu thương và chung thủy với nhau, sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái.
Phần hai: Trao đổi lời thề hứa
Đây là phần chủ yếu của bí tích Hôn phối. Đôi tân hôn sẽ trao đổi lời thề hứa nhận nhau làm vợ làm chồng và cam kết trung thành với nhau suốt đời.
Phần ba: Làm phép và trao nhẫn cưới
Khi cả hai người đã đồng ý và hứa hẹn trước Chúa, người chứng giám sẽ tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng. Chú rể sẽ trao nhẫn và hôn cô dâu trước mặt mọi người như để công khai cuộc hôn nhân của họ với tất cả.
Chiếc nhẫn với hình vòng tròn được người Thiên Chúa coi là biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Chính vì vậy nhẫn là vật không thể thiếu và được chú rể trao cho cô dâu như lời hứa hẹn họ sẽ sống trọn đời bên nhau.
Tại một số đám cưới của người Thiên Chúa bạn sẽ thấy cô dâu và chú rể, mỗi người cầm một ngọn nến. Đừng ngạc nhiên vì mỗi cây nến họ cầm tượng trưng cho cuộc sống riêng của mỗi người trước khi kết hôn. Cả hai sẽ dùng cây nến của mỗi người thắp chung một cây nến khác và cùng thổi tắt cây nến riêng của họ.
Tiếp đến, đôi tân hôn, hai người chứng và linh mục cùng ký tên vào Sổ Hôn phối. Sổ này được lưu trong văn khố của giáo xứ. Việc ký tên này cũng có thể được thực hiện sau thánh lễ.
Nghi thức Hôn phối kết thúc. Thánh lễ tiếp tục. Sau kinh Lạy Cha có một lời nguyện đặc biệt cầu cho đôi tân hôn. Hội Thánh khẩn cầu Chúa ban đầy ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn để bản thân họ được thánh thiện và hạnh phúc, gia đình họ được hòa thuận và bền vững. Hội Thánh cũng nguyện xin ơn Thánh Thần cho họ vì “Chúa Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của họ, là nguồn mạch tình yêu của họ, là sức mạnh giúp họ chung thuỷ
(Trích trong Bài 5: Các thủ tục và nghi lễ hôn phối)
Bí tích hôn phối là bí tích linh thiêng nhất cho mỗi người Công giáo khi bước vào đời sống gia đình. Có rất nhiều người ngoài Công giáo muốn đến nhà thờ để được cử hành bí tích hôn phối nhưng không được phép của Hội thánh, chỉ trừ ở Nhật Bản được đặc cách cho các đôi ngoài Công giáo được làm lễ cưới trong nhà thờ. Suy ngẫm sâu xa ta thấy được những giá trị cao cả của bí tích hôn phối, đó là cơ sở của hạnh phúc gia đình, đó là cơ sở để thiết lập bình đẳng giới, đó là cơ sở để chống lại hiện tượng đa thê, đó là cơ sở để bảo vệ hạnh phúc cho người phụ nữ… Hôn nhân Công giáo là một nét văn hóa tốt đẹp của nhân loại cần được giữ gìn và mở rộng để thế giới tốt đẹp hơn.
” Nguyện xin Thiên Chúa gia ân,
Cho tình đôi lứa ái ân mặn nồng.
Ngày qua tháng lại vun trồng,
Tình yêu kết nụ bông hồng ngát hương.
Gia đình ơn gọi yêu thương,
Chúng con quyết sống uyên ương chân thành.
Tay đan tay, nhịp bước song hành,
Tình yêu Giao ước vinh danh Cha hiền “.
Nhân ngày lễ chịu bí tích hôn phối, nguyện xin Thiên Chúa đổ muôn phúc lành xuống trên gia đình hai bạn trẻ này, để từ đó hoa quả của Tin Mừng được trổ sinh.
NVK/RFA.
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chia sẻ về quan hệ giữa Việt Nam – Vatican
- Ý Nghĩa Kinh Truyền Tin
- Cập nhật tình hình Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc
- Hai biển hồ
- Ngoại Tình có được Thiên Chúa tha tội không?
- 30.000 dự tòng ở Mỹ gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào lễ Vọng Phục Sinh năm nay
- Đau khổ năm mới