Tản mạn về lối sống của các Kitô hữu Miền Bắc: Loa kèn tháng Tư

(Kiệu hoa và kiệu tượng Chúa Phục Sinh,
Gx. Phùng Khoang – TGP Hà Nội, Lễ Chúa Phục Sinh 2021)

Đối với các Kitô hữu Miền Bắc, những ngày tháng mùa chay, tuần thánh luôn có một bầu khí ảm đạm khác thường. Bầu khí này không chỉ đến vì lý do tôn giáo, về những lời kinh, lời ngắm với âm giọng buồn bã âm vang khắp các thánh đường, nhà nguyện; về việc tưởng nhớ, đau buồn với sắc mầu tím ngắt trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Nhưng còn một lý do khác nữa không kém phần quan trọng, cuối tháng ba đầu tháng tư cả Miền Bắc ngột ngạt như nhau. Những cơn mưa phùn cuối mùa, những cái rét mà người ta gọi là rét tháng ba “bà già chết cóng” ập đến rồi vội đi; và nhất là độ ẩm không khí nặng đến nỗi thành “nồm”. Những bức tường, nền nhà, không khí, quần áo cứ lấm tấm thành giọt, tưởng như có thể “vắt ra nước” hết tất cả mọi thứ.

Lạ thay, cả cái bầu khí ảm đạm này như thể biến mất sau một ngày, đó là ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Những người không theo Đạo Công Giáo ở Miền Bắc vẫn gọi rất đơn giản và thực tế là “ra mùa”. Họ nhìn vào sinh hoạt của anh chị em bên Công Giáo để định ngày giờ, “ra mùa” là ra khỏi Mùa Chay, “ra mùa” là trời sẽ ấm và bắt đầu có thể “xuống đồng”. Chẳng hiểu làm sao mà tất cả những điều này cứ đúng như lịch vậy, những sinh hoạt bên Công Giáo hòa quện vào với thời tiết vào cả với công việc đồng áng của người nông dân.

Chợt nhớ đến bài “Mười hai mùa hoa” của Giáng Son mà ca sĩ Thu Phương thể hiện tròn đầy chất đầm ấm. “Tháng tư loa kèn mỏng manh, những góc phố con đường quen…”, ai ở Miền Bắc, ở Hà Nội thì thấy điều này rõ lắm! Những góc phố, những con đường, những mảnh đất hoang hay cả một làng hoa, ở đâu cũng thấy hoa loa kèn; trên những chiếc xe đạp, phía sau khung cửa kính của một nhà hàng, cũng có khi một mình một chậu hoa trên bức tường rào cổ kính. Người theo Đạo Công Giáo cũng hòa mình vào với thiên nhiên như vậy; hay nói cách đơn giản hơn, tháng tư mùa hoa loa kèn cũng là Mùa Phục Sinh, cho nên mừng lễ Chúa Phục Sinh thì dường như không thể thiếu hoa loa kèn.

Mà hoa loa kèn hợp thế cơ chứ! Trong đêm Vọng Phục Sinh, bài thánh ca Exsultet – bài ca mừng Cây Nến Phục Sinh kêu gọi toàn trái đất vui lên bởi vì “tiếng loa cứu độ đã vang rền không gian…”. Mừng mầu nhiệm Con Chúa Phục Sinh, biểu tượng của “kèn”, tiếng kèn luôn là lời kêu gọi hiệu triệu, tôn vinh sự chiến thắng của Đấng Phục Sinh. Tiếng kèn ấy là tiếng kèn của môn vàn thiên thần trên thiên quốc, tấu lên khúc nhạc mừng vui chiến thắng, mừng vui Con Chúa chiến thắng tử thần, mừng vui vì ơn cứu độ đã tuôn tràn cho nhân gian. Nhìn thấy hoa loa kèn dưới chân tượng Chúa Phục Sinh, kiệu hoa phục sinh trong ngày đại lễ thật là tràn ngập niềm vui và hân hoan. Tưởng như là nhìn thấy bao thiên thần tụ họp, cùng tấu lên bài ca halleluia, halleluia…

Tuổi thơ của nhiều Kitô hữu Miền Bắc ấn tượng nhiều điều này, cứ thấy xuất hiện hoa loa kèn trắng thì biết Mùa Phục Sinh đến rồi; hoặc ngược lại, Đêm Vọng Phục Sinh, một cách vô thức, hình ảnh hoa loa kèn lại một lần nữa được in đậm trong tâm trí. Còn sáng Chúa Nhật Phục Sinh ư, cả một đoàn rước đầy màu sắc sặc sỡ, những đóa hoa loa kèn cứ thế rung rinh dưới chân tượng, kiệu hoa mừng Chúa Phục Sinh trong tiếng ca hát, tiếng kèn đồng, tiếng trống rập ràng.

Hóa ra, giữa cảnh sắc thiên nhiên, giữa những thời điểm mà tiết trời giao thoa với nhau, ở đó có con người, có mầu nhiệm của Thiên Chúa như thể nên một. Tự nhiên với tinh chất thấm dần thành truyền thống, tách rời làm sao được vì nó đã trở thành lối sống đẹp được thể hiện trong đời sống Kitô hữu. Tinh chất của niềm tin hòa với thiên nhiên đất trời và loa kèn tháng tư cứ tự nhiên trở thành đặc trưng cho tin vui Con Chúa Phục Sinh.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Tản mạn về lối sống của các Kitô hữu Miền Bắc, Sài Gòn ngày 14/04/2021)

Đánh giá bài viết
Đánh giá bài viết