Phép lạ Linh ảnh Đức Mẹ La Mã tại Bến Tre
Ngược dòng lịch sử, chúng ta ghi nhớ rằng ngày 26. 4. 1866, tại Giáo triều Rôma, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng trao ban bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho dòng Chúa Cứu Thế với lời nhắn nhủ: “Hãy làm cho thế giới này yêu mến Đức Mẹ.” Nguyên bản của bức ảnh nầy hiện nay được tôn kính tại Vương cung Thánh đường thánh An-phong-sô, bên cạnh trụ sở trung ương dòng Chúa Cứu Thế ở Rô Ma.
Vì thế, khi các cha dòng Chúa Cứu Thế người Canađa đầu tiên sang lập dòng ở Việt Nam vào năm 1925, thì nơi đâu có các Ngài, nơi đó có ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp xuất hiện theo bước chân của các vị truyền giáo. Lòng sùng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu Hằng Cứu Giúp, đã lan tràn trên khắp nơi – trong đó có giáo dân họ đạo La Mã – đặt biệt rất yêu mến và tôn sùng Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp
Như vậy, kể từ năm 1930, sau khi được nhận ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ cha Luca Sách – cha sở họ đạo Cái Bông, Mẹ đã luôn hiện diện, gần gủi và theo chân con cái của Mẹ trong suốt cuộc hành trình lánh nạn đầy gian khổ và thử thách: Từ Sơn Đốc vào Bàu Dơi, từ Bàu Dơi lên Cái Sơn, rồi lại trở lại Bàu Dơi. Giờ đây, Mẹ vẫn đang ôm Chúa Giêsu con Mẹ vào lòng, tay Mẹ nắm chặt tay con, như luôn sẳn sàng bảo vệ, che chở và giúp đỡ những ai chạy đến Mẹ, đặt trọn niềm tin tưởng và cậy trông nơi Mẹ.
Thất Lạc Ảnh Mẹ
Ngày 2/2/1950, gần 3 tháng sau khi được đổi tên thành La Mã, xảy ra một cuộc giao tranh lớn trong vùng, giáo dân bỏ chạy tán loạn. Sau trận ruồng bố ác liệt đó, họ trở về trong cảnh nhà tan cửa nát. Ngôi nhà thờ sơ sài nhỏ bé đang trưng bày ảnh Mẹ cũng bị cướp phá tan hoang. Bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp lộng trong khung kiếng cũng biến mất. Họ thẩn thờ nhìn nhau trong ánh mắt buồn bã với những khuôn mặt trắng bệt, họ sợ hãi, họ đói khát, họ thiếu thốn. Họ đã mất mát nhiều quá, mất tất cả. Nhưng có lẽ cái mất mát to lớn và quá sức đang xé nát tâm can họ là Mẹ đã rời bỏ họ ra đi mà không một lời từ biệt. Mẹ đi đâu, Mẹ đang ở đâu? Mẹ có biết con cái của Mẹ ngày đêm trông ngóng nài van xin Mẹ thương cứu giúp, an ủi, nâng đỡ, chở che. Mẹ ơi! Xin cứu giúp chúng con mau thoát cảnh lầm than cơ hàn trăm ngàn sầu khổ.
Tìm Được Ảnh Mẹ
Ba tháng sau, vào ngày 5/5/1950, trong khi đi mò cua bắt ốc dưới con rạch trong vùng, một phụ nữ theo đạo Cao Đài tên là Võ Thị Liềng, quen gọi là bà Sáu Liềng, đụng phải một khung ảnh nằm dưới bùn. Khi vớt lên, tuy khung kiếng vẫn còn nguyên, nhưng giấy ảnh đã phai hết màu và có nhiều chổ mục rách lấm lem đầy bùn đất. Nghe tiếng tri hô, nhiều người chạy ra xem, trong đó có anh Thành, con trai của ông Biện Hạt, đến xin lại khung ảnh và đem về.
Với lòng tôn kính, anh Thành đem khung ảnh Mẹ ra chùi rửa rồi phơi nắng với hy vọng có gì khá hơn chăng. Tuy nhiên, dù rửa tới rửa lui, phơi đi phơi lại cũng vẫn không thấy gì mới, vẫn chỉ là một khung ảnh đen thui, giấy ảnh bị dính chặt vào kiếng vì ngâm dưới bùn lâu ngày, hình ảnh Mẹ bị phai mờ và có nhiều lỗ thủng. Khung ảnh Mẹ được anh Thành nhét vào tấm vách phên trong chiếc chòi lá của mình. Phải chăng, nơi anh Thành ở chỉ có chổ đó là còn cao ráo và tươm tất nhất? Nơi anh ta ở cũng tan nát, mà ảnh Mẹ thì đen thui thủi, còn gì nữa đâu mà kính với thờ!
Ấy vậy, trong một lần ghé thăm con trai và giúp anh Thành dọn nhà về quê vợ lánh nạn. Ông Biện Hạt thấy khung ảnh Mẹ nhét trong kẹt vách phên như vậy,ông hoảng hốt và rầy la anh Thành vì tội bất kính. Sau đó, ông đem bức ảnh Mẹ về nhà, trân trọng đặt trên tủ thờ trước tấm vách lá ở giữa nhà.
Cuộc sống thời loạn lạc vô cùng khó khăn và thiếu thốn, ai nấy đều cặm cụi tảo tần đi tìm cái ăn để sống qua ngày. Số giáo dân vốn đã ít ỏi, nay lại tản lạc khắp nơi, không ai nghĩ đến việc sẽ có một nơi xứng đáng hơn để tôn kính ảnh Mẹ. Hay chăng ảnh Mẹ bây giờ không còn đẹp như xưa, lại bị mất hết hình hài, ai nấy nhìn vào chỉ biết ngậm ngùi chua xót.
Ảnh Mẹ Lộ Hình
Năm tháng sau, vào ngày 7/10/1950, lại một cuộc giao tranh xảy đến bất ngờ. Dọc theo con rạch trước nhà ông Biện Hạt, một chiếc tàu của Pháp chạy tới lui bắn phá lung tung. Ông Hạt và người con trai út tên Trọng không kịp nhảy xuống cái ao sau nhà dìm mình trong nước, để tránh những làn đạn bắn phá tứ tung của tàu chiến hay máy bay quân đội Pháp như những lần trước đây, mà chỉ kịp ẩn núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Tiếng súng vừa im, tiếng máy tàu xa dần. Thoát nạn, ông chạy ra trước tủ thờ, làm dấu thánh giá để cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã cho cha con ông được tai qua nạn khỏi. Ông vô cùng kinh ngạc khi thấy căn nhà của ông và những nhà chung quanh đã bị đạn bắn phá tan tành, duy chỉ còn tủ thờ và tấm vách lá phía sau là còn nguyên vẹn.
Nhìn kỹ lên cái tủ làm bàn thờ, ông Hạt vô cùng sững sốt: Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nằm dưới đáy bùn hơn ba tháng, phai nhạt hết hình, nay bổng dưng hình Mẹ nổi lên rõ ràng xinh đẹp lạ thường. Hai cha con vừa chứng kiến một sự việc lạ lùng, không cầm lòng được ông hô hoán lên: Đức Mẹ làm phép lạ! Đức Mẹ làm phép lạ!
Cả xóm chòi lá vừa ngoi lên bờ, mình mẩy còn ướt nhẹp đầy bùn sình, cũng vội chạy đến nhà ông Hạt, ai nấy đều nhìn thấy như hai cha con ông: Ảnh Mẹ mấy tháng trước đây mất hết hình, nay lộ ra rõ ràng, duy chỉ còn mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng thì còn lu mờ.
Có hai dì phước cũng được chứng kiến việc nầy và nói với ông Hạt: “Đây thật là một phép lạ, khi được vớt lên, ảnh bị ố vàng và mờ phai, bây giờ hình Mẹ nổi lên rõ ràng và tốt đẹp như vậy, Đức Mẹ thương ông nhiều lắm!”
Mọi người đều nhận ra sự thay đổi lạ thường nơi bức ảnh, họ hân hoan vui mừng vì được chứng kiến sự lạ lùng đang xảy ra trước mắt họ. Đây là lần thứ nhất ảnh Mẹ Lộ hình.
Ảnh Mẹ Về Nhà Thờ Cái Bông
Sau đó, ông Biện Hạt đưa ảnh Đức Mẹ ra nhà thờ Cái Bông cho cha sở cũ của mình là cha Luca Sách – người trước đây đã tặng bức ảnh nầy cho nhà nguyện Sơn Đốc – và trình bày với Ngài những sự kiện đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Cái Bông là một họ đạo lớn thuộc xã An Phú Trung, huyện Ba Tri. Từ chợ Sơn Đốc đi xuống nhà thờ Cái Bông khoảng 10 km về phía hạ nguồn sông Hàm Luông, nên rất thuận tiện trong việc đi lại bằng đường bộ.
Cái Bông là một họ đạo lớn, có đông giáo dân lại tiện đường giao thông và nhất là trong thời gian nầy, cha sở họ đạo Cái Sơn, kiêm nhiệm họ đạo La Mã là cha Phêrô Dư đang cho sửa chữa, nâng cấp và trang hoàng lại nhà thờ La Mã, nên cha sở Luca Sách xin giữ lại ảnh Mẹ để tôn kính trong nhà thờ Cái Bông.
Sự lạ đồn ra mau chóng, giáo dân khắp nơi trong đó có những người hiếu kỳ và người ngoại đạo cũng tìm đến để đọc kinh cầu nguyện, xin ơn và chiêm ngưỡng Mẹ Lộ Hình.
Kiệu Trọng Thể Rước Ảnh Mẹ Về Nhà Thờ La Mã
Ngày 20/6/1951, họ đạo La Mã khánh thành ngôi nhà thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang và rộng rãi hơn trước, để chuẩn bị đón tiếp Đức Mẹ từ nhà thờ Cái Bông trở về nhà thờ La Mã.
Cuộc rước được tổ chức rất trọng thể. Chương trình sẽ bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều ngày 20/6/1951, nhưng trước đó, mây đen bao phủ cả một vùng, trời đổ mưa nặng hạt, mọi người chỉ biết nhìn nhau và cầu nguyện, đâu đó văng vẵng tiếng kinh Mân côi. Vài bài hát về Đức Mẹ được cất lên vang vọng cả một góc trời. Trời vẫn mưa, cơn mưa dai dẵng như muốn thử thách sự kiên trì và lòng trung kiên của những người con đặt trọn niềm tin và phó thác nơi Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Ba giờ chiều, bỗng nhiên trời quang mây tạnh. Mọi người rất đỗi vui mừng và không ngớt lời ngợi khen cảm tạ: “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. Ảnh Mẹ được đặt lên một chiếc kiệu hoa rực rỡ. Tháp tùng theo đoàn kiệu, có hàng trăm chiếc xe đạp, xe lôi thùng và những phương tiện khác, một rừng cờ Đức Mẹ màu xanh trắng cùng băng rôn của các đoàn rước.
Đoàn xe rước ảnh Mẹ từ Cái Bông thuộc huyện Ba Tri, theo tỉnh lộ 885, chạy lên hướng Giồng Trôm, tới ngã ba Sơn Đốc rẽ trái, chạy thêm non 2 km nữa thì tới chợ Sơn Đốc. Từ nhà thờ Cái Bông lên chợ Sơn Đốc dài khoảng 10 km. Phía sau chợ là bến đò Sơn Đốc, tại đây bàn kiệu Đức Mẹ được đặt trên một chiếc ghe máy, theo sau là một đoàn ghe xuồng chở khách hành hương từ từ xuôi theo con sông nhỏ hướng về nhà thờ La Mã. Theo đường sông, từ bến đò đến nhà thờ La Mã dài khoảng 5 km. Số giáo dân còn lại có thể đi bộ theo bờ ruộng để đến nhà thờ. Mọi người nức nở vui mừng chờ đón ảnh Mẹ được rước trọng thể về lại quê nhà.
Cuộc rước ảnh Đức Mẹ có sự tham dự của các tôn giáo bạn và đông đảo giáo dân trong vùng như Ba Tri, Cái Bông, Cái Sơn và các vùng lân cận. Trước đó có cha F.X. Trần Tử Nhãn, dòng Chúa Cứu Thế từ Sài Gòn được mời về giảng tuần Tam nhật tại La Mã, để dọn lòng cho giáo dân chuẩn bị nghinh đón Đức Mẹ.
Ảnh Mẹ Thánh Du Họ Đạo Cái Sơn – Ảnh Mẹ Lộ Hình Lần Hai
Vào ngày 15/8/1951, nhân dịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu, được trọng kính lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, với sự chuẩn y của ĐGM Giáo phận Vĩnh Long là Đức cha Phê-rô Mactino Ngô Đình Thục, cha sở họ đạo Cái Sơn – kiêm họ đạo La Mã – là cha Phê-rô Dư, đã tổ chức cung nghinh ảnh Mẹ từ La Mã đến họ đạo Cái Sơn.
Đông đảo giáo dân gần xa quy tụ về. Tuần cửu nhật được tổ chức sốt sắng để dọn tâm hồn. Trong những ngày tĩnh tâm đó, các tín hữu được nghe giảng huấn, xét mình và xưng tội. Bế mạc tuần chín ngày là một cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể chung quanh nhà thờ, sau đó là thánh lễ đồng tế trọng kính Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời.
Trong dịp nầy hàng ngàn người có mặt đã chứng kiến một sự kiện lạ lùng: Mũ Triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng hiện ra thật rõ ràng. Thêm điều lạ nữa là trước đó, khi bức ảnh được vớt lên, giấy ảnh gắn chặt vào kiếng, nhăn nhúm ố vàng và có nhiều lỗ thủng, bây giờ thì chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp, còn các lỗ thủng đã biến mất.
TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA MÃ BẾN TRE
Sau tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại họ đạo Cái Sơn, ảnh Mẹ được đưa về lại nhà thờ La Mã – vẫn là ngôi nhà mái lá vách phên. Lúc nầy ảnh Mẹ ngày càng rõ nét và sắc sảo hơn, khuôn mặt của hai thiên thần và nếp áo buông rũ của Mẹ hiện ra rõ rệt và màu sắc sống động.
Tin về Đức Mẹ với những dấu lạ đồn ra khắp nơi, nên người ta tuôn đến La Mã xin ơn Đức Mẹ đông đảo vô cùng. Nhiều người đã tuyên bố mình đã nhận được phép lạ tỏ tường, trong số họ có nhiều người chưa theo đạo Chúa. Họ La Mã trước đây có khoảng 50 giáo dân, nay đã vượt quá 500 người, trong số đó có ông Khá, một người lái đò bị hư mắt, xin ơn Đức Mẹ và được chữa lành. Ông trở lại đạo và tiếp tục là người lái đò của Đức Mẹ để đưa khách hành hương qua sông.
Ngày 12/01/1952, Đức cha Phêrô Mactino Ngô Đình Thục đã âm thầm đến nhà thờ La Mã. Sau khi được cha Phê-rô Dư thuật lại sự việc xảy ra vào ngày 15/8/1951 tại Cái Sơn về sự việc ảnh Mẹ ngày càng lộ hình, cũng như biết bao ơn lành hồn xác mà Mẹ đã ban cho những ai đến cầu xin cùng Mẹ.
Sau đó, Đức cha đã quyết định lập một ủy ban gồm có các linh mục triều và dòng, để cứu xét về “Sự lạ La Mã”.
Một tháng sau, vào ngày 11/02/1952, Đức cha Phêrô Mactino đã ban một Huấn lệnh với nội dung như sau:
“Dù bề trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà Ta không cấm bổn đạo đến viếng nhà thờ ấy, miễn là vâng phục lý đoán Hội thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch ăn chơi sung sướng.
Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy – từ hàng giáo sĩ cho đến bổn đạo thường – tuy không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu.
Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện, thì ít là thức một giờ làm giờ Thánh, hay là lần hạt Mân côi. Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi Thánh.
Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.
Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn Thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.
Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí tích thì Ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong địa phận mình cũng được giải tội ở La Mã
Sau hết Ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho cha bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ ban cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay cha sở La Mã.
Làm huấn lệnh nầy tại Vĩnh Long ngày 11/02/1952, cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.
Ký tên
Phêrô Mactino Ngô Đình Thục
Giám mục Vĩnh Long.
Sau khi huấn lệnh của ĐGM Vĩnh Long cho phép kính viếng ảnh Mẹ. Trong đó ngài khuyên nhủ khi đi hành hương nên ăn chay, hãm mình, lần hột, chịu các phép bí tích và sẵn sàng làm chứng về những ơn lành của Mẹ ban cho, thì làn sóng hành hương bắt đầu tuôn đổ về La Mã. Giáo dân từ nhiều nơi, nhất là Sài Gòn lặn lội tìm về chiêm ngưỡng và cầu xin ơn Mẹ.
Ngày 20.10.1952, theo quyết định của uỷ ban cứu xét về “Sự lạ La Mã”, linh ảnh Mẹ được đưa về nhà thờ Cái Bông để bắt đầu mở cuộc điều tra. Những người có liên hệ được mời đến làm chứng, những ai nhận được ơn Đức Mẹ cũng được mời để tường thuật lại. Hồ sơ điều tra được phúc trình về Tòa thánh.
Trong dịp này, Đức cha Phêrô Mactino Ngô Đình Thục, Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long đã chọn La Mã là trung tâm hành hương “ Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.” Đức cha cũng bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Hữu Dư – nguyên cha sở họ Cái Sơn – chính thức nhận nhiệm sở họ La Mã.
Sau nhiều năm tháng dày công chuẩn bị và xây dựng, ngôi nhà thờ mới La Mã đã hoàn thành có chiều dài 35m, chiều ngang 16m và tháp chuông cao 19m. Trong ba ngày 12, 13, 14 tháng Giêng, năm 1957, lễ khánh thành thánh đường La Mã được cử hành trọng thể với sự tham dự của năm vị Giám mục và hàng trăm Linh mục, tu sĩ nam nữ và hàng vạn bà con lương giáo từ khắp nơi đổ về. Đức Mẹ La Mã Bến Tre trở thành trung tâm hành hương thứ ba của Giáo hội Việt Nam, sau Đức Mẹ La Vang và Đức Mẹ Trà Kiệu.
Tại đoạn sông nơi bà Sáu Liền vớt được ảnh Mẹ, vị trí nầy nằm về hướng trước mặt nhà thờ La Mã. Tại đây một đài kỷ niệm được xây lên trên dòng sông có ghi hàng chữ “Nơi gặp ảnh Mẹ”. Đài nầy hiện nay theo thời gian đã bị vùi lấp dưới dòng sông và không còn dấu tích.
Tại khu đất sát bờ sông La Mã, nằm về hướng phía sau nhà thờ La Mã, nơi căn nhà xưa kia ông Câu Hạt và người con trai út tên Trọng đã chứng kiến phép lạ ảnh Mẹ Lộ Hình vào ngày 5/05/1950, có một đài kỷ niệm Đức Mẹ Lộ Hình. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn có khách hành hương đến tham quan và kính viếng.
Trung tâm hành hương Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre thường xuyên đón tiếp khách hành hương từ khắp nơi tuôn đổ về để kính viếng và xin ơn Đức Mẹ.
Hằng năm, giáo phận Vĩnh Long và họ đạo La Mã có tổ chức 2 ngày đại lễ như sau: Ngày 5/05 là ngày kỷ niệm tìm đươc ảnh Mẹ và ngày 7/10 là ngày kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình.
(Tìm hiểu và tổng hợp)
- 19 Tu sĩ trở về từ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1
- Kính mời lãnh nhận Phép Lành “Urbi et Orbi” do ĐTC ban vào lúc 18 giờ thứ Sáu ngày 27/03
- Những pнéρ ℓạ mà Đức Mẹ La Vang đã ban qυα lời kể của các chứиg nhân
- Chuyên đề cầu nguyện – Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, DCCT
- Theo đạo có cần thiết cứ phải đi thờ, đi lễ không?
- 337 nhà тнờ giáo xứ ở Roma được кнử trùиg để cử hành Thánh lễ lại
- Dòng Người Như Trẩy Hội Về Bên Mẹ 13.5 – TTHH Fatima Bình Triệu
- Cha Đắc Lộ – Alexandre De Rhodes được vinh danh người có công lớn tạo ra chữ quốc ngữ